Trung Quốc lo sợ Nhật dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí

ANTĐ - Năm 1967, Nhật Bản đã thông qua một loạt các biện pháp để ngăn cấm chuyển vũ khí cho các nước “thù địch” và quốc gia chịu lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế. Hiện nay, Nhật đang xem xét để nới lỏng, thậm chí là dỡ bỏ các nguyên tắc này.

Vừa qua, các phương tiện truyền thông Nhật Bản dẫn nguồn thông tin có liên quan đến bộ quốc phòng cho biết, chính phủ Nhật Bản có thể nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, cấp phép xuất khẩu một số loại vũ khí của mình cho một số quốc gia và tổ chức quốc tế, với điều kiện là họ sẽ không đứng về phía nào trong các cuộc xung đột vũ trang, hoặc sử dụng trong các “hoạt động của cộng đồng quốc tế”.

Điều này có thể hiểu, những đối tượng được phép xuất khẩu vũ khí bao gồm: Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Tổ chức cấm vũ khí hóa học… và các quốc gia được cộng đồng quốc tế giao đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Những đề xuất này có thể sớm được đệ trình trước liên minh cầm quyền của “Đảng dân chủ tự do Nhật Bản” và “New Komeito”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, việc xuất khẩu vũ khí cho phép Tokyo tăng cường quan hệ với các đồng minh và cung cấp động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng.

Trung Quốc lo sợ Nhật dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí ảnh 1

Tàu ngầm AIP, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1, thủy phi cơ US-2 của Nhật hiện đang được đánh giá là những trang bị, vũ khí hàng đầu thế giới


Không chỉ bây giờ mà trong quá khứ, Nhật Bản đã nhiều lần “lách luật” để cung cấp vũ khí cho một số quốc gia. Sau đó, đến năm 2011, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đơn giản hóa các quy định về xuất khẩu vũ khí vì các mục đích nhân đạo và hòa bình. Điều này làm dấy lên các luồng dư luận trái chiều, một vài quốc gia phản đối kịch liệt, nhưng cũng có rất nhiều nước tán đồng việc Nhật cung cấp vũ khí cho họ.

Hiên nay, do sự ước thúc của “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, nên Nhật không thể xuất khẩu vũ khí và các công nghệ vũ khí quan trọng trong khi các vũ khí của họ, đặc biệt là những trang thiết bị hàng hải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nước. Điển hình là công nghệ tàu ngầm AIP, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1, thủy phi cơ US-2, các loại tàu tuần tiễu...

Nhật đã rất nhiều lần lách luật để viện trợ tàu tuần tiễu cho một số nước đông nam Á như Philippines, Indonesia… Đơn cử ví dụ như năm 2006, Chính phủ của Thủ tướng Koizumi quyết định nới lỏng việc thực hiện 3 nguyên tắc này, sử dụng nguồn vốn ODA cung cấp cho Indonesia 3 tàu tuần tiễu có vũ trang. Đây là lần đầu tiên Tokyo sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ để cung cấp vũ khí cho một nước khác. 

Trung Quốc lo sợ Nhật dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí ảnh 2

Tàu ngầm AIP của Nhật được cả Ấn Độ và Australia quan tâm (Ảnh: Tàu ngầm AIP đầu tiên thuộc lớp Soryu của Nhật mang số hiệu SS-501 Soryu)


Đối mặt với những chất vấn của dư luận trong và ngoài nước, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản lúc đó chính là Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe đã tuyên bố, Nhật cung cấp vũ khí để Indonesia chống hải tặc, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển Đông. Hành động này là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm điều khoản nào của “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.

Tiếp theo đó, tháng 12/2012, Chính phủ Nhật lại một lần nữa “lách” qua khe hở của 3 nguyên tắc này để cung cấp 10 tàu tuần tiễu cho Philippines tăng cường khả năng tuần tra, giám sát trên biển Đông. Bắc Kinh đã cho rằng Tokyo đã vi phạm “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967. Tuy nhiên, Nhật đưa ra lí do cung cấp tàu tuần tra là để nước này sử dụng cho các “hoạt động của cộng đồng quốc tế”.

10 tàu tuần tiễu này được Nhật Bản cung cấp cho Philippines theo phương thức viện trợ phát triển của Chính phủ (Viện trợ không hoàn lại - ODA). Tháng 4-2012, tại hội nghị hiệp thương quốc phòng và ngoại giao tổ chức tại Washington, Mỹ và Nhật đã xác định sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của chính phủ Nhật Bản để cũng cấp tàu tuần tiễu cho các quốc gia châu Á và Philippines chính là nước đầu tiên được nhận quy chế này.

Trung Quốc lo sợ Nhật dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí ảnh 3

Máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới P-1 của Nhật


Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, để bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển, hiện có khoảng 8 quốc gia đã đặt vấn đề nhờ Nhật chi viện vũ khí, trang bị. Đây chủ yếu là các quốc gia Đông Nam Á, nằm xung quanh biển Đông - một trong những điểm nóng tranh chấp hiện nay. Họ đánh giá rất cao trình độ công nghệ và các trang, thiết bị của Nhật Bản, đặc biệt là các phương tiện hàng hải.

Ngày 27-11-2013, trang mạng Want Daily của Đài Loan đăng tải bài viết của giáo sư Chang Hee Nam, thuộc đại học Inha University Hàn Quốc, hiện đang thỉnh giảng tại một trường đại học Đài Loan. Vị giáo sư này cho biết, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đang tiếp tục đẩy mạnh việc nới lỏng hạn chế của “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.

Qua phân tích các nguồn tin quân sự Đài Loan, đánh giá nhu cầu của hòn đảo này và khả năng đáp ứng của Nhật Bản, ông nhận định nếu Trung Quốc tấn công chiếm đảo Sekaku/Điếu Ngư, thì Tokyo có thể hủy bỏ 3 nguyên tắc này, bán tàu ngầm và tàu quét lôi cho Đài Bắc, hợp với Nhật hình thành “mũi tạt sườn” chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc lo sợ Nhật dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí ảnh 4

Thủy phi cơ trinh sát US-2 của Nhật Bản


Ngoài ra, liên tiếp trong tháng 1 vừa qua, các hãng tin Ấn Độ và Nhật Bản đã đưa tin, 2 nước đang xúc tiến thảo luận các điều khoản cho phép Nhật xuất khẩu thủy phi cơ trinh sát US-2 cho Ấn Độ. Đồng thời, một số loại vũ khí khác như máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới P-1, tàu ngầm động cơ tuần hoàn không khí độc lập AIP của Nhật cũng là những phương tiện được rất nhiều nước quan tâm, trong khi đó Trung Quốc chưa chế tạo được những trang bị này.

Ngay từ bây giờ có thể nhận định, một khi Nhật nới lỏng hoặc dỡ bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, sẽ có rất nhiều nước được lợi, trong đó chủ yếu là những nước có mâu thuẫn với Trung Quốc, có thể giúp Tokyo hình thành các liên minh bao vây, cô lập, phân tán lực lượng của Bắc Kinh. Động thái này của Nhật sẽ nhận được sự tán đồng của rất nhiều nước, nhưng chắc chắn nó sẽ làm người Trung Quốc không hài lòng, lo ngại.