Trung Quốc lép vế trước Ấn Độ trong tranh chấp biên giới

ANTĐ - Ngày 20-12, báo chí Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin quân sự cho biết, nước này đã quyết định mua thêm 6 chiếc máy bay tác chiến đặc biệt C-130J Super Hercules của Mỹ, nâng tổng số máy bay loại này lên 12 chiếc.

Đề xuất mua 6 chiếc máy bay vận tải tác chiến đặc biệt C-130J Super Hercules của Mỹ trong một thỏa thuận trị giá hơn 40 tỷ rupi (645 triệu USD) đã được thông qua tại cuộc họp Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ do Thủ tướng Manmohan Singh đứng đầu, tờ Press Trust of India dẫn lời các nguồn tin ở New Dehli cho biết.

Không quân Ấn Độ đã được biên chế một phi đội 6 chiếc máy bay vận tải tương tự được triển khai tại căn cứ không quân Hindan ở gần New Delhi và sử dụng chúng để tiến hành các hoạt động tác chiến đặc biệt, bao gồm cả hạ cánh xuống đường băng không bằng phẳng ở khu vực Ladakh. Không quân Ấn Độ đã mua lô 6 chiếc máy bay này với giá khoảng 55 tỷ rupi.

Giống như lô đầu tiên, Ấn Độ sẽ mua thêm 6 chiếc máy bay tác chiến đặc biệt này thông qua chương trình bán vũ khí cho nước ngoài của chính phủ Mỹ. Những máy bay vận tải này được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng vận chuyển binh lính và hàng hóa lên các căn cứ trên biên giới Trung-Ấn, có độ cao hàng ngàn mét với địa hình phức tạp. 

Trung Quốc lép vế trước Ấn Độ trong tranh chấp biên giới ảnh 1

Máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III của Mỹ


Lô 6 chiếc máy bay vận tải C-130J Super Hercules mới này sẽ được triển khai tại Panagarh ở Tây Bengal, phía đông Ấn Độ, nơi có thể sẽ trở thành sở chỉ huy của Quân đoàn bộ binh sơn cước (thuộc Lục quân) được triển khai dọc đường biên giới với Trung Quốc.

Việc mua sắm thêm các máy bay C-130J rất có ý nghĩa khi chúng có khả năng cất, hạ cánh trên các đường băng dã chiến, trong mọi điều kiện thời tiết. Nếu xảy ra xung đột trên biên giới, Ấn Độ có thể nhanh chóng tăng quân, bổ sung vũ khí, trang bị lên các điểm nóng, giúp họ giành được ưu thế trong tranh chấp biên giới.

Hiện lực lượng vận tải chiến lược của Ấn Độ có cả máy bay vận tải C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster của Mỹ và IL-76 của Nga. Với phi đội máy bay vận tải khủng, Ấn Độ có thể nhanh chóng bốc các sư đoàn hạng nặng với đầy đủ vũ khí, trang bị lên biên giới trong vòng vài giờ. Đây chính là lợi thế lớn của quân đội Ấn Độ, so với quân đội Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ. 

Trung Quốc lép vế trước Ấn Độ trong tranh chấp biên giới ảnh 2

Máy bay vận tải C-130J Super Hercules hạ cánh xuống căn cứ không quân Daulat Beg Oldie ngày 20-08 vừa qua


Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có số lượng ít các máy bay vận tải IL-76 đã cũ của Nga, năng lực vận chuyển có hạn. Đại bộ phận các hoạt động di chuyển vũ khí, trang bị hạng nặng của họ lên biên giới Trung - Ấn đều phải thông qua tuyến vận tải đường sắt xuyên Tây Tạng, mất rất nhiều thời gian so với người Ấn. 

Vì vậy, trong thời gian qua, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện sự chênh lệch này bằng cả những biện pháp cấp bách lẫn lâu dài. Họ đã hỏi mua máy bay vận tải chiến lược thế hệ mới nhất của Nga là IL-476 nhưng Nga vẫn chưa chịu ký hợp đồng, làm kế hoạch này đang đi vào ngõ cụt. 

Còn dự án phát triển máy bay vận tải chiến lược Y-20 của Trung Quốc hiện nguyên mẫu bay thứ 2 mới bắt đầu thử nghiệm, để chúng được chấp nhận biên chế trong lực lượng không quân sau đó sản xuất hàng loạt còn một quãng đường khá dài. Vì thế, trong trong khoảng một thập kỷ tới khả năng cơ động đường không của Ấn Độ vẫn trên cơ Trung Quốc, đó là một lợi thế rất lớn trong tranh chấp biên giới.