Trung Quốc leo thang quân sự hóa ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Với việc Trung Quốc đưa ra dự thảo luật có điều khoản trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh của nước này trên biển đang dấy lên những lo ngại sâu sắc về bước leo thang mới của Trung Quốc trong toan tính quân sự hóa lực lượng được xem là “hung thần” ở Biển Đông này.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc với sự hung hăng nguy hiểm đã đâm chìm tàu cá đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Một tàu hải cảnh Trung Quốc với sự hung hăng nguy hiểm đã đâm chìm tàu cá đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Ngày càng tỏ ra hung hăng

Các quốc gia ở khu vực, nhất là những nước có chủ quyền trên biển ở Biển Đông, đang quan tâm với lo ngại sâu sắc trước động thái nhằm tính trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh (cảnh sát biển) của Trung Quốc trên biển. Theo đó, trong dự án luật mới được đưa ra trong kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) bắt đầu ngày 4-11 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này.

Điểm nổi bật trong dự thảo sửa đổi là quy định rõ trách nhiệm của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, khẳng định lực lượng này có quyền dùng vũ lực xua đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập cái gọi là lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn các thuyền viên. Dự thảo còn cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân thủ những quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Dự thảo sửa đổi luật về lực lượng hải cảnh Trung Quốc được công bố trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở nhiều vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, đặc biệt là ở Biển Đông. Không chỉ có vậy, các tàu hải cảnh to lớn của Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, liên tục có những hành động phi pháp, quấy rối tàu thuyền của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam.

Trên thực tế, cùng với ngày càng ráo riết hơn hòng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng hơn nhằm hiện thực hóa những đòi hỏi này. Những hành động dùng sức mạnh để đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc càng đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn sau khi yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) căn cứ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bác bỏ trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Cũng như trước đó, Trung Quốc không chỉ phớt lờ phán quyết của PCA mà còn thường xuyên điều động tàu hải cảnh cùng nhiều loại tàu vũ trang trá hình khác tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Đội tàu hải cảnh đông đảo cùng các tàu vũ trang khác của Trung Quốc đã hộ tống hay trực tiếp tiến hành các hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển Đông, trong đó có vụ hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam năm 2014, hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam năm 2019…

Mới đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã khiến dư luận khu vực hết sức lo ngại khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm một tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 4 vừa qua. Với những hành động hung hăng, bắt nạt nguy hiểm, hải cảnh Trung Quốc thực sự là một lực lượng “hung thần” ở Biển Đông.

Cần có biện pháp bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân

Trước khi đưa dự thảo sửa đổi luật trao quyền sử dụng vũ khí cho các tàu hải cảnh, Trung Quốc đã có những bước đi nhằm quân sự hóa lực lượng sức mạnh giữ vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp trên biển của nước này. Trong đó, động thái đáng chú ý là từ ngày 1-7-2018, quyền chỉ huy lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã được chuyển từ Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (một cơ quan dân sự) sang Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc (một đơn vị vũ trang).

Quyền chỉ huy lực lượng hải cảnh trước đó cũng đã được chuyển hẳn cho Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ ngày 1-1-2018 thay vì chịu sự quản lý kép Quân ủy - Quốc vụ viện. Với quyết định này, về thực chất, lực lượng hải cảnh chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc giống như đối với lực lượng vũ trang của nước này.

Những thay đổi trên đã tạo điều kiện cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể xuất hiện một với tần suất nhiều hơn trong các cuộc tập trận và huấn luyện thường xuyên với lực lượng hải quân Trung Quốc. Đồng thời, mở đường cho việc trang bị pháo hạm cỡ nòng lớn hơn cho các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc cùng các vũ khí tấn công cho binh sĩ lực lượng này.

Đi đôi với sự mở rộng về cơ sở luật pháp, Trung Quốc những năm qua đã đổ tiền của để phát triển lực lượng hải cảnh với tốc độ chóng mặt, đưa lực lượng này trở thành một trong những lực lượng hải cảnh mạnh trên thế giới và hoàn toàn vượt trội so với lực lượng cảnh sát biển có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Theo giới chuyên môn, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc hiện có gần 200 tàu các loại cùng biên chế khoảng 20 nghìn người.

Trong đội ngũ tàu hải cảnh Trung Quốc có những tàu kích thước tương đương hay thậm chí lớn hơn các tàu của hải quân nước này như tàu số hiệu 2901 có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, gấp rưỡi tàu khu trục lớn nhất hiện có trong biên chế của hải quân là Type 052D với chỉ 7.500 tấn. Trung Quốc có rất nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn từ 2.000 đến 4.000 tấn với thiết kế bên ngoài không khác gì tàu chiến nếu bỏ đi các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa, thủy lôi… và có tốc độ không hề thua kém tàu chiến của hải quân. Giới quân sự cho rằng, trong trường hợp cần thiết, các tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ được hoán đổi, lắp thêm vũ khí và hệ thống điện tử để dễ dàng trở thành tàu chiến thực thụ.

Trong bối cảnh đó, dự luật cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí sẽ làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn giữa các bên ở Biển Đông, phức tạp hóa các tranh chấp tại đây, đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần hòa bình và kiềm chế được nêu ra tại Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc luôn lớn tiếng kêu gọi các bên tôn trọng. Dự luật này nếu được thông qua sẽ trao cho hải cảnh quyền lực lớn, đáng quan ngại và gây nguy hiểm cho các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước tại Biển Đông, trong đó có ngư dân nước ta.

Chúng ta vì thế cần đặc biệt quan tâm và theo dõi sát sao sự phát triển của dự luật hải cảnh mới của Trung Quốc để có các biện pháp cần thiết kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mà trước hết là sự an toàn của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông. Trong đó, các biện pháp ngoại giao, đàm phán song phương, đa phương thông qua ASEAN là hết sức cần thiết.