Trung Quốc lần đầu trưng bày tên lửa CZ-5, CZ-7 ở nước ngoài

ANTĐ - Trung Quốc vừa trưng bày tên lửa đẩy thế hệ hệ mới CZ-5 và CZ-7 "Long March" tại triển lãm Quốc phòng và An ninh quốc tế ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Đây được cho là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hướng tới thị trường Nam Mỹ. 

Cùng CZ-5 và CZ-7 còn có các tên lửa đẩy CZ-2 và CZ-3, cũng xuất hiện tại triển lãm này, diễn ra trong thời gian từ ngày 14 đến 17-4.

Trung Quốc đang tìm kiếm sự hợp tác tại thị trường Nam Mỹ

Theo ông Li Tongyu, người đứng đầu văn phòng không gian vũ trụ của Học viện Launch Vehicle Technology (Trung Quốc), quyết định trưng bày loại tên lửa mới ở nước ngoài không chỉ cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện trình độ không gian vũ trụ của mình, mà còn để tìm kiếm sự hợp tác với nhiều quốc gia khác trong ngành công nghiệp này.

Tên lửa CZ-5, vốn đã hoàn thành 2 bài thử nghiệm bay thử, được cho là đã cải thiện được trọng tải tối đa từ 5,4 lên 13 tấn cho những nhiệm vụ mang hàng hoá lên vũ trụ. Ông Li cho biết bước theo của Trung Quốc là phát triển thành công tàu thăm dò mặt trăng không người lái Chang'e 5 và hạ cánh xuống được mặt trăng vào năm 2017.

Thời báo hoàn cầu nhận định rằng Trung Quốc đang quảng cáo tên lửa đẩy ở thị trường Nam Mỹ do khu vực này đang có nhu cầu phóng các vệ tinh thăm dò và giám sát mặt đất. Nam Mỹ hiện cũng là khu vực thường được sử dụng làm nơi phóng vệ tinh khi Trung tâm không gian vũ trụ Guiana của Pháp và Trung tâm Alcantara Launch của Brazil đều được xây dựng tại đây.

Kể từ năm 1998, Mỹ đã cố gắng hạn chế khả năng phóng vệ tinh của Trung Quốc, Thời báo hoàn cầu cho hay. Các cơ quan lập pháp của Mỹ đã thông qua luật thương mại vũ khí toàn cầu nhằm cấm các vệ tinh Mỹ hay các vệ tinh có phụ kiện của Mỹ dùng tên lửa đẩy của Trung Quốc.

Đây là vấn đề lớn với Trung Quốc do Mỹ kiểm soát hơn 60% dây chuyền sản xuất vệ tinh trên thế giới, trong khi các vệ tinh của châu Âu và Nhật cũng phụ thuộc nhiều vào các phụ kiện của Mỹ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã được giúp đỡ trong lĩnh vực phóng vệ tinh bởi các nước Nam Mỹ như Venezuela, Bolivia và Brazil.