Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ ngay mọi lệnh trừng phạt chống Syria

ANTD.VN -Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 31-3 kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế đơn phương chống lại Syria, và lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn hại cho Syria trong nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19.

Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ ngay mọi lệnh trừng phạt chống Syria ảnh 1

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Zhang Jun

“Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế đơn phương chống lại Syria. Chúng tôi rất quan tâm về tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với khả năng ứng phó của các quốc gia với đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như Syria. Dân thường và những người vô tội đang bị ảnh hưởng nặng nề từ những lệnh trừng phạt đó”, ông Zhang Jun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 3, nói với cuộc họp qua truyền hình về tình hình ở Syria.

Ông Zhang đồng thời cho biết, kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý về thỏa thuận ngừng bắn vào đầu tháng 3-2020, tình hình an ninh ở Tây Bắc Syria đã được cải thiện đáng kể.

 “Bắc Kinh đánh giá cao những nỗ lực ngoại giao của Matxcơva và Ankara, đồng thời khuyến khích các bên liên quan tiếp tục thực hiện lệnh ngừng bắn”, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ nói.

“Quan điểm nhất quán của chúng tôi là dùng giải pháp chính trị để giải quyết cho cuộc xung đột ở Syria. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực miệt mài của đặc phái viên Geir Pedersen và khuyến khích ông tiếp tục tạo điều kiện đối thoại giữa các bên ở Syria, hướng tới một tiến trình chính trị theo quyết 2254”, ông Zhang nói.

Trước đó, vào năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh gia hạn thêm một năm nữa một loạt các biện pháp trừng phạt chống Syria với cáo buộc các hành động và chính sách của chính phủ Damascus, bao gồm: theo đuổi và sử dụng vũ khí hóa học; hỗ trợ các tổ chức khủng bố; cản trở khả năng hoạt động hiệu quả của chính phủ Lebanon, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và giáo phái, gây ra mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách nước ngoài và nền kinh tế Mỹ.

Mỹ đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế khác nhau liên quan đến Damascus từ năm 2004. Các hạn chế được quy định cụ thể là đóng băng tài sản của các cá nhân và công ty thuộc thẩm quyền của Mỹ, cấm xuất khẩu một số loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ .