Trung Quốc kết án 3 cảnh sát và 4 phụ tá dùng nhục hình ép cung nghi phạm

ANTĐ - Ngày 22-9, Tân Hoa Xã đưa tin về một vụ án ở nước này khi 3 sĩ quan cảnh sát và 4 phụ tá thuộc đồn công an Daowai, thành phố Cáp Nhĩ Tân bị truy tố với tội danh tra tấn các nghi phạm trong 7 vụ xảy ra vào tháng 3 - 2013 để lấy cung. Trong số những nghi phạm bị tra tấn để lấy cung, một người đã chết sau khi bị chích điện và bị đánh vào mặt, vào đầu bằng giày. Các nghi phạm còn lại thì bị cảnh sát đổ dầu mù tạt vào miệng để buộc họ phải khai thông tin.

Cảnh sát dùng băng dính và giấy quấn chặt lấy phần đầu và miệng các nghi phạm

Bị hành xác đến “chết đi sống lại” chỉ vì 1 câu “thú tội”

Sự việc này chỉ thực sự được phanh phui khi Viện kiểm sát nhân dân Cáp Nhĩ Tân nhận được đơn tố cáo của gia đình nghi phạm họ Zhai. Theo thông tin cung cấp của cảnh sát, Zhai bị bắt vào ngày 7-3-2013 vì nghi ngờ bán ma túy và các hoạt động phi pháp khác. Tuy nhiên, kết quả một cuộc điều tra sau đó phát hiện 3 phụ tá cảnh sát, gồm: Cheng Xiaowei, Pan Yongquan và Li Longchun đã đổ dầu mù tạt vào mũi Zhai trong buổi thẩm vấn. Chưa dừng lại, họ còn còng tay Zhai vào một chiếc ghế sắt và đấu dây điện thoại cũ vào ngón chân rồi bắt đầu quay số để có thể sản sinh ra điện áp 120 volt. Khi Zhai có dấu hiệu bị co giật, họ nhẫn tâm tăng số lần quay tới 7-8 lần. Hậu quả, Zhai nhiều lần bị điện giật, gào thét dữ dội kéo dài tới vài giờ đồng hồ.

Hiện các công tố viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân huyện Daowai đang điều tra cái chết bất thường của nghi phạm Liang Shizhong. Liang bị cảnh sát bắt giam 24-3 năm ngoái cùng một người khác vì bị nghi bán ma túy. Theo kết quả điều tra sơ bộ cho thấy trên người Liang có nhiều vết thương, có dấu hiệu bị tra tấn trước khi chết. Tuy nhiên, cảnh sát hình sự huyện Daowai đã vội vã đem thi thể Liang đi hỏa táng, không để phía điều tra viên tiếp tục khám nghiệm tử thi. Trong các cuộc điều tra tiếp theo, cuối cùng sĩ quan cảnh sát Wu Yan cùng 3 phụ tá Cheng Xiaowei, Pan Yongquan và Li Yingbin thừa nhận đã chích điện, đánh đập dã man nghi phạm Liang tới chết.

Ngoài cách ép cung giống Zhai ở trên, theo Wu Yan ông ta cùng phụ tá cầm một chiếc giày thay nhau đánh vào mặt Liang. Để tiếng la hét vì đau đớn của Liang không bị lọt ra ngoài, họ đã dùng một chiếc khăn choàng bịt chặt miệng Liang. Khi nhân viên cảnh sát Zhang Siliang đi vào phòng tra tấn phát hiện ra Liang đã mất ý thức, Wu cố gắng hô hấp nhân tạo và gọi dịch vụ cấp cứu, nhưng Liang được xác định đã chết trước khi họ đến.

Sự thật đang bị bóp méo

Trả lời trước truyền thông về các thông tin có liên quan, thời gian gần đây, nhà chức trách Trung Quốc vẫn “mạnh miệng” cho hay, tình trạng tra tấn và ép cung đã được ngăn chặn hiệu quả trong 5 năm qua bằng các biện pháp được Chính phủ đưa ra, chẳng hạn như: tách riêng nghi phạm với người thẩm vấn, đặt camera trong phòng thẩm vấn và đưa ra quy định cho phép thẩm phán bác bỏ bằng chứng có được thông qua tra tấn. Ngay cả ông Zhao Chunguang, người chịu trách nhiệm giám sát các cơ sở giam giữ của cảnh sát Trung Quốc cũng cho rằng, trong suốt 5 năm qua chưa xuất hiện bất cứ trường hợp tra tấn hay ép cung nào tại các nhà tù của nước này. Thế nhưng, tuyên bố này của ông Zhao dường như đang mâu thuẫn với thông tin do Tân Hoa Xã đưa ra về vụ xét xử cảnh sát có hành vi tra tấn.

Với bản án từ 1 - 2 năm rưỡi tù giam dành cho 3 sĩ quan cảnh sát và 4 phụ tá, ông Hong Daode - Giáo sư luật hình sự tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc nói: “Dường như mức án mà tòa tuyên đối với các bị cáo còn quá nhẹ, và nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho các trường hợp tra tấn sau này”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu nhân quyền Maya Wang ở Hong Kong thì cho rằng, cảnh sát Trung Quốc có thể tra tấn nghi phạm mà không lo bị trừng phạt vì “không có kênh độc lập nào để lắng nghe những lời tố cáo”. Ông Wang nói: “Cảnh sát phạm tội tra tấn thường ít khi phải chịu trách nhiệm về pháp lý và khi bị đưa ra tòa, mức án mà họ phải nhận cũng nhẹ hơn rất nhiều so với mức độ nghiêm trọng của hành vi”.

Trước đó, một bài báo trên trang Sohu của Trung Quốc đưa ra nhận định: án oan ở các nước Âu - Mỹ thường có nguyên nhân do sự nhầm lẫn của người làm chứng. Nhưng ở Trung Quốc, phần lớn các vụ án oan đều do tòa án chỉ coi trọng khẩu cung. Do vậy, thường thì khi bị cáo “nhận tội” là coi như vụ án kết thúc.