Trung Quốc: Hơn 2 vạn nhân tài từ chối tổ quốc, ở lại Mỹ làm việc

ANTĐ - Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến cuối năm 2012, có tổng cộng khoảng 2,65 triệu du học sinh Trung Quốc lưu học ở nước ngoài, trong khi đó chỉ có 1,09 triệu người quay trở về nước làm việc.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết, một cuộc khảo sát gần đây của các chuyên gia Trung Quốc về nhu cầu việc làm của các lưu học sinh nước này cho thấy, có tới 87% lưu học sinh xuất sắc của Trung Quốc có xu hướng lưu lại nước ngoài làm việc, nhất là lĩnh vực khoa học và công nghệ, điểm đến của họ là các Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp của Mỹ.

Ý thức được điều này, hồi cuối tháng 12/2013, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội thảo về việc làm, nhằm mục đích thu hút 1.200 sinh viên xuất sắc trở lại quê hương làm việc.

Hôm 10/01/2014, tờ “Tokyo Shinbun” của Nhật Bản cho biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục đào tạo Trung Quốc, kể từ khi quốc gia này tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến cuối năm 2012, có tổng cộng khoảng 2,65 triệu học sinh Trung Quốc du học ở nước ngoài, trong khi đó chỉ có 1,09 triệu người quay trở về nước làm việc.

Trong năm 2011, có 33.800 lưu học sinh Trung Quốc giành được học vị tiến sĩ ở Mỹ, chiếm 30% số tổng số tiến sĩ mang quốc tịch nước ngoài ở Mỹ, đặc biệt là nhân công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Điều này cho thấy, xu hướng chảy máu chất xám trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng và gần như không ngăn chặn được.

Trung Quốc đang rất cần những tài năng trong các lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ

Một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Trung Quốc cho biết: "có khoảng hơn 20.000 các nhà nghiên cứu mang quốc tịch Trung Quốc đang hàng ngày làm việc và cống hiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và hàng không vũ trụ của Mỹ”.

Chính các nhân tài của Trung Quốc đang đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Mỹ chứ không phải là Tổ quốc của họ. Những than phiền trên cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đang rất cần những tài năng là các nhân viên kỹ thuật, đang tham gia nghiên cứu trong các lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ từ Mỹ và châu Âu.

Bài báo còn chỉ ra, sau năm 1990 của thế kỷ 20 nền kinh tế của Trung Quốc luôn duy trì mức độ tăng trưởng cao và bền vững, các nhân tài đi du học ở phương Tây của Trung Quốc cũng đã lần lượt trở về, chính số này đã đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ các công ty Công nghệ thông tin, phát triển khoa học kỹ thuật, góp phần to lớn cho sự lớn mạnh vượt bậc của kinh tế Trung Quốc.

Trong một thời gian dài (những nhân tài Trung Quốc trở về từ nước ngoài) họ đã được ca ngợi là "người hùng". Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ Trung Quốc đang thực sự cần các tài năng, thì họ lại từ chối phục vụ Tổ quốc, nguyên nhân chính khiến họ ngại trở về là sợ phải đối mặt với khó khăn trong thị trường việc làm.