Trung Quốc giống như “kẻ bắt nạt xấu xí”

ANTĐ - Có thể thấy rằng Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngoan cố ở Biển Đông thông qua nhiều hành động đơn phương. Trong khi đó, Philippines - dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III - cũng cho thấy sẵn sàng đương đầu với kịch bản leo thang căng thẳng của  Bắc Kinh.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng thi hành nhiệm vụ
tại vùng có tranh chấp trên Biển Đông hôm 29-3-2014

Không “ăn” được thì… phá

Ngày 9-5, Bộ Năng lượng Philippines đã công khai đấu thầu quyền thăm dò 11 lô dầu khí. Trong số này có “Khu vực 7” hiện do Philippines kiểm soát và Trung Quốc cũng có yêu sách chủ quyền. Trong một bài viết đăng trên Asia Times Online ngày 3-6, Tiến sĩ Christopher Len - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore - dự báo rằng khi Philippines tiến hành khai thác dầu khí ở “khu vực 7”, rất có thể Trung Quốc sẽ đưa các tàu chấp pháp đến ngăn cản, như vậy khả năng căng thẳng giữa Trung Quốc và  Philippines sẽ bùng phát mạnh.

Cũng trong bài viết trên, chuyên gia về năng lượng người Singapore phân tích, trong quá khứ tập đoàn Philex Petroleum Corp của Philippines từng tiếp cận Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) về việc cùng  khai thác nhưng phía Trung Quốc cự tuyệt. Lý do là Manila nhất quyết cho rằng việc Trung Quốc tham gia phải phù hợp với Hiến pháp Philippines, phải công nhận khu vực này nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đồng thời tuân thủ luật pháp của Philippines. Vì vậy, Trung Quốc coi hành động mở thầu “Khu vực 7” của Manila là một nỗ lực khẳng định yêu sách của Philippines đối với khu vực này nên bất kỳ hoạt động nào tại đây của Philippines, Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản.

Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh các dự án thăm dò và khai thác dầu khí riêng ở Biển Đông và rất có thể nước này sẽ tăng cường hoạt động chấp pháp trên biển để ngăn chặn các bên khác tiến hành hoạt động khai thác ở những khu vực có tranh chấp. Quả thực, điệp khúc thường xuyên được lặp lại ở Bắc Kinh là nếu Trung Quốc không khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, những nguồn tài nguyên này sẽ sớm bị các bên tranh chấp khác khai thác.

Sẵn sàng ứng phó trước tình thế leo thang

Thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai nước ngày càng leo thang. Năm 2011, có tin 2 tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu khảo sát địa chấn do Forum Energy thuê hoạt động tại “khu vực 7”. Năm 2012, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cản trở một tàu hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang hoạt động ở bãi cạn Scarborough. Tháng 3-2014, Trung Quốc đã cố ngăn chặn Philippines dùng tàu tiếp tế và thay quân cho đơn vị thủy quân lục chiến hiện diện ở khu vực này. Manila cũng đã bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc với tội danh đánh bắt trộm ở vùng biển Philippines, đồng thời công khai tố cáo Trung Quốc cải tạo, biến bãi đá ngầm Gạc Ma (mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988) thành đảo nhân tạo để xây dựng một đường băng. 

Ngày 5-6 vừa qua, Tổng thống Philippines Aquino trước báo giới đã bày tỏ  lo ngại về hoạt động ngày càng gia tăng của tàu Trung Quốc tại các rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông. Truyền thông Philippines đưa tin, nhà chức trách nước này đang theo dõi mọi động thái của tàu Trung Quốc trong bối cảnh tàu Trung Quốc liên tục đâm va, cản trở hoạt động của lực lượng chấp pháp Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Manila đã tận dụng mọi biện pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, đỉnh điểm trong căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc đã dẫn đến việc Philippines mở mặt trận pháp lý khi kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc. Cuối tháng 3-2014, Manila đệ trình hồ sơ dày 4.000 trang lên tòa án quốc tế khởi kiện “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho âm mưu thâu tóm Biển Đông, trong đó nêu rõ: Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc mang tính bành trướng, vô lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Vì sao Trung Quốc “né” tòa án quốc tế?

Sở dĩ Philippines quyết định kiện Trung Quốc, theo Ngoại trưởng Albert del Rosario, bởi Philippines đã thiện chí đàm phán với Trung Quốc suốt 18 năm qua, nhưng không hề đạt được một tiến triển nào. Lần nào Bắc Kinh cũng khăng khăng về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông mà theo “đường 9 đoạn” phi lý này, Philippines sẽ mất 80% diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông vốn rất giàu tài nguyên.

3 ngày trở lại đây, dư luận thế giới lại nóng lên với sự kiện Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (gọi tắt là PCA- một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Công ước Hague 1899 về giải quyết tranh chấp quốc tế Thái Bình Dương) yêu cầu Trung Quốc nộp hồ sơ phản biện trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Philippines khởi xướng năm 2013 nhưng Trung Quốc lại tiếp tục từ chối. Hãng tin Bloomberg cho biết, PCA yêu cầu trong vòng 6 tháng, đến ngày 15-12-2014, Trung Quốc phải cung cấp các luận cứ và bằng chứng để biện hộ cho các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông. 

Ngày 4-6, các quan chức Philippines một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tham gia vụ kiện để có được một giải pháp hòa bình và bền vững cho các tranh chấp lãnh thổ. Thông cáo ngày 3-6 của PCA cũng cho biết hôm 21-5, Chính phủ Trung Quốc đã gửi thông báo nhắc lại rằng Bắc Kinh “không chấp nhận vụ kiện”, nhưng theo các thẩm phán, dù Trung Quốc không tham gia thì khả năng tòa vẫn tiếp tục nghe phía Philippines trình bày và xác định các bước tiếp theo.

Phản ứng này của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Tờ PhilStar dẫn lời ông Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện nghiên cứu khủng bố, bạo lực và hòa bình của Philippines hôm 4-6 nhấn mạnh: “Dựa trên những hiểu biết của tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ qua các yêu cầu của Tòa án quốc tế. Ngay cả khi Tòa án ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này, Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục làm ngơ, đặc biệt nếu phán quyết không có lợi cho Trung Quốc”. Tương tự,  chuyên gia về chính sách đối ngoại Shen Dingli tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc trước đó cũng nhận định trên tờ South China Morning Post của Hồng Kông rằng: “Trung Quốc có thể rút khỏi UNCLOS hơn là chấp nhận một bản án đi ngược lại lợi ích của mình”.

Một bài viết đăng trên The Diplomat (Nhật Bản) gần đây cũng phân tích về hành động nhất quyết chối bỏ phiên xử kiện của Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, hệ thống pháp lý quốc tế đó đơn giản là không đủ mạnh để buộc một cường quốc thực hiện theo quy định, vì thế Trung Quốc đã quyết định không tham gia đàm phán đa phương về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cũng như không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã thay đổi suy nghĩ của mình về vấn đề này. Dù tới đây có thể là phán quyết không được thi hành, nhưng Philippines hy vọng quyết định của Liên hợp quốc sẽ tăng áp lực chính trị đối với Bắc Kinh.

Từ chối vụ kiện, Trung Quốc càng xấu mặt 

Việc Trung Quốc từ chối tham gia tòa án trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp liên quan đến tuyên bố chủ quyền của họ đối với hầu hết Biển Đông làm cho Trung Quốc giống như một “kẻ bắt nạt xấu xí”, Giáo sư Jerome Cohen của trường Luật, Đại học New York (Hoa Kỳ) đưa ra nhận định như vậy trong một bài giảng ở Đại học Hồng Kông cuối tháng 5-2013.

“Làm sao một nước nào đó lại có thể nói rằng, chúng tôi đúng đến mức không cần phải dự một phiên tòa công bằng mà chúng tôi đã từng cam kết trước đây để xem liệu quan điểm của chúng tôi có được công nhận hay không? Điều này cho thấy Trung Quốc là kẻ xấu xí trong mắt cộng đồng quốc tế… Bây giờ, nước này trông giống một kẻ bắt nạt khi từ chối nghĩa vụ pháp lý của mình để giải quyết tranh chấp theo UNCLOS”, học giả này nói.

Giáo sư Jerome Cohen cho biết, ông muốn thấy các nước khác có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, đồng thời nhấn mạnh: Tất cả các “cường quốc” trong đó có Mỹ và Trung Quốc “cần phải luôn ghi nhớ rằng, họ nằm trong những giới hạn quốc tế dù có thích hay không”.

“Trung Quốc hành xử không chuyên nghiệp”

Tiến sỹ Ely Ratner - Phó Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ và cũng là chuyên viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài THVN ngay sau khi trở về từ Đối thoại Shangri-La đã cho rằng Trung Quốc hành xử không chuyên nghiệp tại diễn đàn này. Ông nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi tướng Vương Quán Trung nói rằng: Trung Quốc không bao giờ là bên châm ngòi cho các rắc rối tại Biển Đông. Nhưng xin nhắc lại, không ai bên ngoài Trung Quốc tin vào điều đó. Không có thành viên của bất cứ đoàn nào có cách hành xử kỳ cục và không thể tưởng tượng nổi giống như đoàn Trung Quốc”. Tiến sỹ Ely Ratner nhấn mạnh: “Cách hành xử của đoàn Trung Quốc tại Shangri-La rất không chuyên nghiệp và thể hiện sự thiếu tự tin của một cường quốc”.