Trung Quốc dùng chiêu của Khổng Minh trong giải quyết vấn đề Đài Loan

ANTĐ - Có nằm mơ Gia Cát Lượng cũng không nghĩ được rằng, 1800 năm sau, câu nói nổi tiếng của ông dặn Quan Vân Trường trước khi vào Xuyên: “Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền” lại mở ra một cục diện mới cho tình hình eo biển Đài Loan. 

Chiến lược mềm mỏng của Trung Quốc với Đài Loan

Trong năm 2012, những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông, giảm sự chú ý đến vấn đề Đài Loan, tạo cho người ta ảo giác về mối quan hệ “đang ngày càng ấm lên” giữa hai bờ eo biển.

Đối với vấn đề Đài Loan, Trung Quốc thực hiện chiến lược tương tự như “Cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ. Một mặt, khích lệ những kẻ đã nhận ân huệ của mình tăng cường quan hệ hữu hảo với Đại lục, mặt khác, dằn mặt những phần tử chủ trương thực hiện chính sách khiêu khích.

Bắc Kinh nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy quan hệ xã hội và văn hóa giữa hai bờ eo biển; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với Quốc dân Đảng; cô lập những chính khách ủng hộ xu hướng li khai. Lập trường cơ bản và tiên quyết của Trung Quốc là phản đối Đài Loan độc lập hoặc bất kỳ hành động nào vi phạm nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.

Thừa tướng nhà Thục Hán Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh (181-234) 

Tháng 3 năm 2011, Trung Quốc công bố “Sách trắng Quốc phòng” năm 2010, thể hiện rõ sự tự tin vào phương hướng phát triển quan hệ giữa hai bên. Sách trắng chỉ rõ: “Quan hệ giữa hai bờ eo biển đã đạt được bước phát triển quan trọng có ý nghĩa tích cực, 2 bên đã tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị; triển khai đối thoại, hiệp thương; tiến hành toàn diện “3 nối liền” trực tiếp 2 chiều; đạt được 1 loạt các hiệp nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế và tài chính…, sự phát triển hòa bình quan hệ giữa hai bên là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan”.

Từ khi ông Mã Anh Cửu nhậm chức tháng 3 năm 2008, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã có những cải thiện đáng kể. Hai bên tăng cường quan hệ mậu dịch và bắt đầu các quan hệ trực tiếp hai chiều. Mối quan hệ này đã làm giảm bớt tình hình căng thẳng và làm cho quan hệ giữa hai bờ eo biển “dần ấm lên”. Mọi người đều nghĩ rằng, dường như Đại Lục đã hiểu, chỉ có thông qua tăng cường quan hệ văn hóa và kinh tế xuyên qua eo biển mới thúc đẩy nhanh quá trình thống nhất Trung Quốc.

Tổng thống Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) Mã Anh Cửu

Tuy vậy, Bắc Kinh không hề ảo tưởng về viễn cảnh thu hồi Đài Loan bằng phương pháp hòa bình. So sánh cán cân lực lượng Trung - Đài của Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 5/2012 đã cho thấy, Trung Quốc đã tập trung binh lực lớn đến thế nào ở khu vực eo biển Đài Loan, rõ ràng họ không bao giờ từ bỏ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng mọi giá. Vậy sự nhẫn nhịn của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan xuất phát từ nguyên nhân nào?

Vận dụng kế sách của Khổng Minh

Thực sự, Trung Quốc không bao giờ cho phép Đài Loan trở thành quốc gia độc lập, sự bình yên đáng nghi ngờ ở eo biển Đài Loan xuất phát từ sự điều chỉnh trong chiến lược ngoại giao và phương pháp giải quyết tranh chấp của Trung Quốc. Câu nói nổi tiếng của Gia Cát Lượng nay lại tái hiện trong giải quyết mâu thuẫn giữa hai bờ eo biển.

Trước khi dẫn quân vào Xuyên cứu Lưu Bị năm 213, Gia Cát Lượng có dặn Quan Vân Trường về đối sách phòng thủ Kinh Châu là: “Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền”. Đại ý Khổng Minh cho rằng, Tào Tháo từ phương bắc xuống, quân sĩ, người ngựa mỏi mệt, hoàn toàn có thể đem quân để chống cự. Nhưng Tôn Quyền ở Giang Đông, sát nách Kinh Châu, quân sĩ khỏe mạnh, lương thảo đầy đủ, nếu chia quân đánh cả 2 bên thì chắc chắn sẽ thất bại, nên trước mắt phải hòa hoãn với Tôn Quyền để chống lại quân Tào.

Bộ Quốc phòng Mỹ so sánh cán cân lực lượng không quân và hải quân
hai bờ eo biển Đài Loan tháng 5-2012

Hiện nay, có thể điều kiện địa lý và vị thế của các nước không hoàn toàn giống như thời Tam Quốc nhưng về cơ bản, hình thái chính trị, quân sự có nhiều nét tương đồng. Cũng giống như nước Thục ngày xưa phải lựa chọn phương án hòa ai để đánh ai trong số 2 nước Ngô, Ngụy hoặc đánh cả 2; Trung Quốc hiện đang phải đau đầu lựa chọn giữa 3 phương án.

Thứ nhất là bằng mọi giá thu hồi đảo Đài Loan rồi mới tính đến các nước xung quanh, thứ hai là thu hồi các đảo mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình từ tay các nước lánh giềng, rồi quay về thống nhất lãnh thổ, thứ 3 là cùng lúc giải quyết cả 2 vấn đề trên.

So sánh tương quan lực lượng lục quân

Phương án thứ 3 là sự lựa chọn thiếu khôn ngoan nhất, sự thất thủ của Kinh Châu và cái chết của Quan Vũ sau khi ông dàn quân đánh cả Ngô lẫn Ngụy là bài học lớn để Bắc Kinh loại nó ra khỏi các phương án chiến lược của mình, chỉ còn phương án 1 và 2 là có tính khả thi.

Bắc Kinh luôn tin rằng Đài Loan là vấn đề trong tầm tay, muốn thu hồi lúc nào là được lúc đó và sự thực cán cân quân sự trên tất cả các phương diện đều nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Thế nhưng, ở thời điểm này, vấn đề sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan là thiếu khôn ngoan.

Hiện nay, tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng đang là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách mở rộng “biên giới chiến lược và không gian sinh tồn” mà Trung Quốc đã vạch ra năm 2001, cần giải quyết gấp trước khi có biến. Vì vậy, Trung Quốc tạm thời gác lại vấn đề Đài Loan, thi hành chính sách ngoại giao “cận giao, viễn công”, hòa hoãn với Đài Loan để giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines.