Trung Quốc: Đóng cửa ngay thị trường động vật hoang dã để tránh họa lớn

ANTD.VN - Sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã đưa thói quen ẩm thực Trung Hoa vốn ưa chuộng thịt động vật quý hiếm vào “tầm ngắm”. Dịch bệnh chết người này đang làm tê liệt đời sống xã hội, người Trung Quốc giận dữ hơn bao giờ hết đối với việc ăn thịt động vật hoang dã. 

Thống kê cho thấy, hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây đã được gây ra bởi mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật hoặc các sản phẩm từ động vật. Các đợt dịch HIV, Ebola, MERS, SARS, cúm gia cầm, và giờ đây là Covid-19 đều truyền từ động vật hoang dã sang người. Các nhà khoa học cho biết, các virus tương tự sẽ tiếp tục xuất hiện  trừ khi gốc rễ của vấn đề được giải quyết.

Trung Quốc: Đóng cửa ngay thị trường động vật hoang dã để tránh họa lớn ảnh 1Trung Quốc tạm thời nghiêm cấm buôn bán động vật hoang dã để ngăn ngừa bệnh dịch lây lan

Nguy cơ đã được cảnh báo

Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về SARS, đã cảnh báo từ  năm 2010 về một vụ dịch tương tự do thực trạng buôn bán động vật hoang dã. Ông Shi Zhengli, Giám đốc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Viện Virus học Vũ Hán cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vào năm 2018. Ông nói: “Ngăn chặn một bệnh truyền nhiễm ngay từ nguồn gốc của nó rất đơn giản, đó là hãy tránh xa động vật hoang dã”.

Sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, việc tiêu thụ cầy hương đã giảm trong vài năm, nhưng sau đó lặng lẽ hồi sinh. Vì vậy, dịch virus Corona chủng mới ở Vũ Hán chỉ là sự khẳng định nguy cơ tồi tệ nhất mà các chuyên gia từng cảnh báo. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế đã truy tìm nguồn gốc của dịch Covid-19 và cho rằng, nó đến từ chợ hải sản Vũ Hán - nơi nuôi, giết mổ tại chỗ và bán thịt nhiều loại động vật hoang dã. Người ta tin rằng, virus ban đầu từ dơi, sau đó truyền sang người thông qua một vật chủ trung gian có khả năng được bán ở chợ.

Trong báo cáo về tình hình dịch Covid-19 được công bố ngày 11-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus Corona chủng mới có mối liên hệ với các loại virus Corona tương tự ở dơi. “Các nghiên cứu gần đây cho thấy có hơn 500 loại virus Corona được tìm thấy ở dơi tại Trung Quốc” - báo cáo viết. Chỉ có điều, dơi hiếm khi được tìm thấy tại các khu chợ ở Trung Quốc. Người dân thường bắt chúng và bán trực tiếp cho các nhà hàng để làm món ăn. Giả thuyết có khả năng nhất vào lúc này là một động vật giữ vai trò trung gian truyền bệnh như rắn, tê tê…

Việc xác định động vật trung gian lây truyền virus Corona chủng mới sẽ giúp đảm bảo không có các vụ bùng phát tương tự trong tương lai. Đây cũng là trường hợp xảy ra với dịch SARS, nguyên nhân được cho là ăn thịt cầy hương ở các vùng miền Nam Trung Quốc. 

Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những đoạn phim có cảnh phụ nữ Trung Quốc ăn dơi đã lan truyền khắp thế giới. Một số phương tiện truyền thông quốc tế còn cho rằng, súp dơi là một món ăn phổ biến ở khu vực Vũ Hán dù điều đó không đúng chút nào. 

Như một câu nói của người Trung Quốc xưa: “Bệnh lây qua miệng”, nhưng khi nói đến sự háu ăn, một số người luôn sẵn sàng vượt qua sự coi thường về an toàn thực phẩm. Trong thực tế, chuyện ăn thịt chó, thịt dơi, cầy hương hay thịt chuột phổ biến ở từng vùng của Trung Quốc. Nhưng phân tích dữ liệu tiết lộ rằng, trong 10 năm qua, thịt nhím và tê tê là những động vật hoang dã được tìm kiếm nhiều nhất, chiếm 50% lượng tìm kiếm “món lạ”. Dơi và cầy hương, thủ phạm của SARS, cũng đóng góp lần lượt 15% và 8% các tìm kiếm liên quan.

Việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc men bắt nguồn từ thời xưa, khi người dân Trung Hoa tin rằng chúng có nhiều lợi ích về sức khỏe. Khảo sát trực tuyến cho thấy, nhiều người tin rằng thịt động vật hoang dã có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với động vật thuần hóa. Trong khi đó, có người ăn thịt động vật quý hiếm như một cách để phô trương sự giàu có của họ. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc vẫn cho rằng, ăn thịt động vật hoang dã chỉ là sở thích của một số ít người.

CTrung Quốc: Đóng cửa ngay thị trường động vật hoang dã để tránh họa lớn ảnh 2Chuyên gia y tế và những người bảo vệ động vật khẳng định việc buôn bán động vật hoang dã cần bị cấm vĩnh viễn

Chặn “đường cao tốc” đưa virus vào cơ thể người

Các chuyên gia cho biết, virus có thể dễ dàng biến đổi và lây lan sang người khi ở các chợ này, những loài động vật hoang dã và thuần hóa được giữ gần nhau. Thế nhưng nhiều năm qua, chính quyền không tính hết đến rủi ro sức khỏe này. Ngày 26-1, Trung Quốc đã tuyên bố lệnh cấm tạm thời đối với tất cả các hoạt động buôn bán động vật hoang dã và tăng cường thực thi pháp luật đối với hành vi tội phạm liên quan. Động thái này được các nhóm vận động bảo vệ động vật và công chúng hoan nghênh. “Chúng tôi hy vọng bước đi dũng cảm này được thực hiện vĩnh viễn và mở rộng cho tất cả các hoạt động xuất, nhập khẩu động vật hoang dã, giúp ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai”, Kate Nustyt, Giám đốc về động vật hoang dã của tổ chức Bảo vệ Động vật toàn cầu cho biết.

“Tôi muốn tất cả các chợ bán động vật hoang dã phải đóng cửa. Nếu đưa động vật hoang dã vào một khu chợ chung với động vật nuôi khác, đó là cơ hội để virus nhảy từ động vật này sang động vật khác, và cuối cùng là tới con người. Điều đó không khác nào mở một đường cao tốc để virus đi từ tự nhiên vào người. Chúng ta không thể làm điều này nữa”, Tiến sỹ Ian Lipkin chuyên gia về dịch tễ tại Đại học Columbia, người tham vấn cho các quan chức Trung Quốc từ dịch SARS năm 2003 tới dịch Covid-2019 hiện nay nói.

 Truyền thông chính thống Trung Quốc cũng tung ra các chiến dịch như “Kiểm soát sự thèm ăn của bạn, nói không với thịt động vật hoang dã” trước Tết Nguyên đán. Thống kê số lượng bài báo, hình ảnh và video giải thích về sự nguy hiểm của việc ăn động vật hoang dã đã được công bố trên Internet trong tuần đầu tháng 2-2020 đã bằng tổng của 10 năm qua cộng lại. “Tôn trọng tự nhiên, nếu không muốn bị trừng phạt”, khẩu hiệu đó lan truyền đối với rất nhiều người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc khi nhắc nhở về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bệnh dịch lần này. 

Trung Quốc xem xét điều chỉnh luật

Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc được thông qua năm 1988, cho phép thuần hóa và nhân giống động vật hoang dã. Năm 2003, chính quyền cho phép 54 loài hoang dã được nhân giống tại các trang trại và được bán để tiêu thụ, bao gồm gấu trúc, chồn và hươu sika. Bản sửa đổi năm 2016 của luật này tiếp tục cho phép nuôi và sử dụng động vật hoang dã cho mục đích thương mại. Nó cũng cho phép sử dụng động vật hoang dã để làm thuốc y học cổ truyền Trung Quốc, bổ sung chăm sóc sức khỏe và thực phẩm. Ông Xie Yan, một nhà nghiên cứu tại Học viện Động vật học Trung ương Trung Quốc cho biết, những quy định đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã. 

Tiếp tục sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã sẽ là nội dung được bàn thảo tại Quốc hội Trung Quốc trong năm nay. Bên cạnh đó, các học giả, chuyên gia y tế và những người bảo vệ động vật tin rằng cần phải hành động mạnh tay hơn nữa. Họ khẳng định việc buôn bán động vật hoang dã - nguyên nhân gây ra 2 vụ dịch lớn và gây tổn hại cho danh tiếng cùng hình ảnh của Trung Quốc - cần bị cấm vĩnh viễn. Đầu tháng 2-2020, 19 học giả Trung Quốc đã cùng nhau kêu gọi các nhà lập pháp sửa đổi luật về động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe, an toàn công cộng và tiêu thụ động vật hoang dã là hành vi phi pháp. “Chỉ riêng lệnh đóng cửa chợ sẽ không ngăn chặn được hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nếu nhu cầu vẫn tồn tại. Cuộc khủng hoảng sức khỏe này phải là lời cảnh tỉnh để chấm dứt nhu cầu về thực phẩm và dược liệu từ động vật quý hiếm”, Quỹ Động vật hoang dã thế giới tuyên bố.

“Đóng cửa thị trường động vật hoang dã là một quyết định khó khăn của Trung Quốc trong việc chấm dứt thói quen đã có từ hàng nghìn năm nay. Nhưng chúng ta phải đóng cửa những chợ động vật hoang dã này, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên khắp châu Á, Tây Phi, Nam và Trung Mỹ, thậm chí có thể là các chợ đen ở Mỹ. Nếu không làm điều đó, cứ sau vài năm chúng ta lại thấy một bệnh truyền nhiễm mới”

Tiến sỹ Ian Lipkin - chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Columbia (Mỹ)