Trung Quốc: Độc hại “đũa ăn liền”

ANTĐ - Giá rẻ, tiện lợi, hợp vệ sinh... đó là những lý do khiến người dân không chỉ ở Trung Quốc ưa dùng các sản phẩm dụng cụ ăn sử dụng một lần. Song thực tế, trên đời này thứ gì cũng có giá của nó, và những tính chất hết sức “ưu việt” trên thường ít song hành với nhau. 

Xưởng sản xuất đũa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường 

ở Nam Mạo, Giang Tây, Trung Quốc

Đũa “tẩm” lưu huỳnh

Tối 17-3, Hoàng Bột, một diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc sau khi ăn ở nhà hàng đã bức xúc viết trên blog của mình, “tố” việc đũa sử dụng một lần - thường được gọi là “đũa ăn liền” - sau khi ngâm vào nước nóng có mùi khó chịu, còn nước ngâm thì chuyển màu vàng. Ngay lập tức, làn sóng phản đối việc sử dụng “đũa ăn liền” được khơi lại.

Sáng 19-2, phóng viên Chinanews đến tìm hiểu khu vực bán đồ dùng nhà hàng khách sạn thuộc chợ bán buôn đường Phủ Thuận, Thanh Đảo, phát hiện phần lớn đũa dùng một lần bày bán tại đây thuộc dạng “3 không”. Theo một chủ cửa hàng khá lớn thì đũa loại tốt nhất có giá 7NDT (23.000VNĐ) một bao 70 đôi, tuy nhiên nếu cần những loại “thấp cấp” hơn dành cho những quán ăn vỉa hè cũng có với giá chỉ bằng một nửa. Khi thắc mắc chuyện đũa có mùi lạ, phóng viên được chủ cửa hàng giải thích: “Đó là mùi thuốc”, và “loại đũa này thường được ngâm qua lưu huỳnh hoặc ôxy già, thứ nhất là để có màu đẹp mắt, thứ hai là chống mối mọt”. Chủ cửa hàng này đồng thời khẳng định những chất đó hoàn toàn không có hại cho sức khỏe con người, “dùng hàng ngày cũng được”.

Phóng viên đã mua 4 loại đũa khác nhau ở chợ này để tiến hành thử nghiệm. 4 loại được ngâm vào 4 cốc nước nóng tương đương. 5 phút sau, nước trong các cốc đều chuyển thành màu vàng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Khi đưa lên mũi ngửi, các đôi đũa này đều có mùi chua.

Ông Ngô Tiến, giáo viên hóa trường trung học số 18 Thanh Đảo cho biết, đũa dùng một lần dù được tẩy trắng bằng cách nào thì cũng đều có những nguy cơ độc hại nhất định. Riêng lưu huỳnh khi tiếp xúc với đồ ăn nóng sẽ sản sinh ra lưu huỳnh điôxit, chất ăn mòn niêm mạc đường hô hấp; còn oxy già có tính năng phòng mối mọt, khi vào miệng và đường thực quản cũng sẽ gây ăn mòn.  

Có thể gây nhiều loại bệnh nguy hiểm

Ngay cả khi chưa cần dùng đến các chất độc hại, thì tình trạng vệ sinh môi trường ở các cơ sở sản xuất “đũa ăn liền” cũng khiến những sản phẩm này gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ngày 20-3, phóng viên đi theo đoàn kiểm tra liên ngành đến cơ sở sản xuất đũa số 668 nằm trên đường Nam Liên, thành phố Nam Mạo, Giang Tây. Nhà xưởng ở đây rộng chừng 800m2, chia làm nhiều gian, gian để máy, gian để thành phẩm. Hàng trăm bao tải đũa mới làm xong đã được đóng vào bao tải chuẩn bị mang đi. Bụi cuộn lên khắp nơi, có chỗ bụi còn phủ dày đến vài centimet. Bên trong xưởng, chủ thậm chí còn nuôi 2 con chó và một đàn gà. Trong khi đó, các đôi đũa được đóng gói cẩn thận sẽ lập tức được người dùng sử dụng ngay khi bóc ra mà không quan tâm đến việc làm sạch lại.

Mấy năm nay trên thị trường Trung Quốc lưu hành phổ biến các loại bát, đĩa, đũa, thìa, hộp đựng thực phẩm... dùng một lần. Vì chúng đều được đóng gói kín với ghi chú “Sản phẩm đã được khử trùng”, do đó người dân thường không bao giờ lau rửa lại trước khi sử dụng. Trên thực tế, vì những sản phẩm này có giá rẻ, nên không thể tránh khỏi mù mờ về chất lượng vệ sinh an toàn.

Theo bác sỹ Nhiệm Tiểu Bảo, khoa cấp cứu bệnh viện Tây Nam, Trùng Khánh, đũa dùng một lần dù đã được khử trùng, song thời hạn chất khử trùng còn hiệu lực chỉ kéo dài 4 tháng, qua thời hạn này sẽ phát sinh khuẩn tụ cầu vàng (Staphyloccocus aureus) gây bệnh ở đại tràng và gan. “Thậm chí đũa dùng một lần khi quá hạn sử dụng còn có thể chứa vi nấm aspergillus flavus gây nguy cơ bị ung thư, trong đó nguy hiểm nhất là ung thư gan”, bác sỹ Nhiệm Tiểu Bảo cho hay.

Ngoài đũa, các dụng cụ như dĩa, ống hút, hộp xốp đựng cơm... cũng đều tồn tại những mối nguy nhất định. Theo kết quả điều tra mới được công bố của Hiệp hội đóng gói thực phẩm Trung Quốc, hiện các sản phẩm nhựa dùng một lần đều có vấn đề về chất lượng, thông thường hàm chứa lượng kim loại nặng vượt quá chỉ tiêu cho phép, khi ngấm vào cơ thể có thể dẫn đến ung thư.

Các nhà hóa học Việt Nam nói gì?

Trung Quốc: Độc hại “đũa ăn liền” ảnh 2
Đũa dùng một lần tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì hóa chất

Ai cũng cảm nhận, sạch sẽ chỉ về mặt cảm quan, còn độc hại đến đâu, như thế nào thì mấy ai biết được. “Từ ngày mở hàng ăn tôi đã sử dụng loại đũa này. Tiện lợi vì không phải rửa nhiều, khách dùng xong một lần là bỏ đi. Nhưng về mặt an toàn thì tôi cũng chịu, vì có được biết đâu”, chị Thủy, một chủ quán hàng ăn trên phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cho biết. 

Tìm mua loại đũa này rất đơn giản, bất kỳ hàng tạp hóa lớn nhỏ nào đều có với giá rất rẻ, từ 12.000-15.000 đồng/bó 50 đôi. Chỗ thì có nhãn mác, nhà sản xuất, địa chỉ liên hệ, nhưng có nơi thì không nguồn gốc, xuất xứ. Thật đáng lo, một lượng không nhỏ đũa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát.

Theo ông Chu Đình Kính - nghiên cứu viên cao cấp Viện Hóa học - Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, với nồng độ thấp các hóa chất như SO2, sunfur có thể không gây ảnh hưởng gì nhiều cho con người, nhưng nếu khống chế không đúng, chỉ cần hơi quá một chút các hóa chất đó sẽ mang tính nguy hiểm rõ rệt, có thể ăn mòn gây viêm loét đường tiêu hóa. “Dùng xút để chống mốc cho đũa là hoàn toàn không nên, vì kiểm soát nồng độ, cách sử dụng rất khó. Không những vậy, quá trình ngâm, xút sẽ ngấm vào sâu bên trong sản phẩm, và như vậy, không thể nào làm sạch được hoàn toàn từ trong ra ngoài”, ông Kính khuyến cáo.

Tương tự, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, SO2 là chất khử rất mạnh, diệt nấm mốc rất tốt. Thông thường, SO2 được dùng để xử lý đồ mây, tre. PGS. Nguyễn Duy Thịnh nhận định: “Nếu SO2 được dùng với liều lượng vừa phải thì không độc cho người sử dụng, nhưng người sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Song, nếu dùng với liều lượng quá lớn, không khống chế được, người sử dụng đũa lâu dần cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với những đôi đũa này, khi bóc lớp nilon đi, sẽ ngửi thấy mùi hăng hắc”.

Giật nảy mình công nghệ hóa học “làm đẹp đũa”

Có 2 cách để “làm đẹp” loại đũa này. Cách thứ nhất: “làm đẹp” ở trạng thái rắn, tức là  tẩy trắng bằng phương pháp xông hơi qua khí sunfur. Thông thường, những đôi đũa này có độ sunfur dioxide (SO2) vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Một trong những đặc tính của khí SO2 đó là gặp lạnh thì co lại. Vì thế, nếu sử dụng lọai đũa này trong phòng có điều hòa, khí SO2 rất dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hít thở; cách thứ hai là tẩy trắng ở trạng thái lỏng. Đũa sẽ được đưa qua khí clo (Cl) hoặc nước oxy già để tẩy trắng. Điều đáng nói là nếu hít quá nhiều khí Cl rất dễ gây ra hiện tượng sỏi mật. Hơn nữa, nước oxy già là loại nước có tính tẩy rất mạnh, vì thế cổ họng, thực quản, thậm chí cả dạ dày đều bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thời gian vô trùng cho 1 đôi đũa từ khi sản xuất đến khi sử dụng là 4 tháng. Quá thời gian này, người sử dụng rất dễ bị nhiễm các loại khuẩn khác nhau như khuẩn ruột kết.