“Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế”

ANTĐ - Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Trước những diễn biến liên quan tới tình hình Biển Đông, Báo An ninh Thủ đô có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Bá Diến (Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm bộ môn Luật Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh những động thái mới của phía Trung Quốc làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

- PV: Sau khi Trung Quốc in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu phát cho công dân của họ đi ra nước ngoài, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 27-11 lại thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Tiếp đó, tàu cá Trung Quốc ngày 30-11 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những động thái gần đây của phía Trung Quốc với tham vọng độc chiếm Biển Đông?

- PGS. TS Nguyễn Bá Diến (Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Chủ nhiệm bộ môn Luật Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội): Tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông đã quá rõ. Ngày 7-5-2009, Trung Quốc gửi công hàm kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) lên Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam và Malaysia gửi báo cáo riêng và chung về xác định ranh giới ngoài một phần thềm lục địa của mình. Đây là cách chính thức công khai yêu sách của Chính phủ Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.  Mặc dù vậy, Trung Quốc không giải thích “đường 9 đoạn” đó là đường gì, là đường biên giới quốc gia trên biển hay đường ranh giới trên biển xác định nội thủy, lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (?!). Điều đó cho thấy đây là một hành động phi lý, mập mờ, thể hiện sự ngang ngược, trắng trợn, phớt lờ các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế hiện đại và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc, bộc lộ công khai chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như của các nước khác ở Biển Đông đối với các vùng biển và thềm lục địa của mình đã được Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc quy định. Kể cả việc Trung Quốc cho phát hành mẫu hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” cũng là hành động chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế.

- Việc làm của Trung Quốc vi phạm những điều luật nào trong Luật pháp Quốc tế, thưa ông?

- Điều 76 của Công ước Luật Biển có quy định: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính toán chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn”. Như vậy, rõ ràng công ước Luật Biển đã cấp “số đỏ” cho mỗi quốc gia ven bờ, trong đó có Việt Nam, không những đối với nội thủy và lãnh hải của mình mà còn đối với Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa với bề rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Những quyền này là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Là một cường quốc - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc và đồng thời thành viên Công ước Luật Biển năm 1982, đáng lẽ Trung Quốc phải tôn trọng các quy định của Công ước, càng phải thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong việc tuân thủ các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế. Song, đáng tiếc Trung Quốc đã có hành động đi ngược lại những quy định này. 

“Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế”   ảnh 2
Bản đồ cổ của Trung Quốc cho thấy cực Nam nước này chỉ đến đảo Hải Nam

- Ông có thể nói một cách cụ thể hơn về sự phi lý của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự “vẽ” ra?

- Dưới góc độ Luật Quốc tế, hầu hết các nhà luật học trên thế giới cũng như những người có tư duy bình thường đều đánh giá hành động của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” là điều hết sức phi lý. Nếu coi đó là đường biên giới hay ranh giới quốc gia trên biển thì phải được xác lập trên cơ sở bàn bạc, thảo luận với các quốc gia hữu quan, theo nguyên tắc và quy trình chặt chẽ, dựa trên điều ước quốc tế về hoạch định biên giới/ranh giới. Trong khi “đường lưỡi bò” bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông, ăn sâu vào vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei…, nhưng Trung Quốc lại tự vẽ ra và nói là đường biên giới của mình. Điều này vi phạm nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Không một quốc gia nào được quyền đơn phương hoạch định biên giới/ranh giới quốc gia của mình. Bởi vậy, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là mưu mô “xâm lược bằng bản đồ”.

Mặt khác, về mặt kỹ thuật bản đồ, việc xác định ranh giới chủ quyền của một quốc gia trên bản đồ phải có một quy trình chuẩn để xác lập, từ đó xác định kinh độ, vĩ độ cụ thể. Với việc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” mơ hồ, phi khoa học, không những Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà còn tự cô lập trên trường quốc tế, làm phức tạp tình hình, gây mất ổn định trong khu vực.

- Trước những việc làm sai trái của phía Trung Quốc, theo ông Chính phủ Việt Nam nên có thái độ ứng xử như thế nào?

- Tôi cho rằng, sự phản đối của cộng đồng quốc tế đã thể hiện rất rõ ràng trong những ngày gần đây. Các quốc gia Philippines, Malaysia, Ấn Độ… thậm chí Mỹ không thừa nhận hộ chiếu “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đối với những trường hợp cần nhập cảnh vào Việt Nam thì có thể tạo điều kiện cấp visa/thị thực, nhưng phải là một tờ giấy rời, không đóng dấu vào hộ chiếu có “đường lưỡi bò”. Trước những động thái mới, cùng với những biện pháp này thì Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối đến phía Trung Quốc là cần thiết. Nếu Trung Quốc tiếp tục “leo thang” hoạt động sai trái thì chúng ta cũng có thể gửi công hàm lên các cơ quan của Liên hợp quốc như Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Đồng thời, chúng ta cần đưa ra những biện pháp cụ thể, cùng với các nước trong khu vực tạo ra tiếng nói chung tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối những yêu sách ngang ngược, phi lý.

- Chúng ta cần làm gì để bảo vệ lẽ phải, sự chính nghĩa, vừa giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?

- Bất kỳ một dân tộc có lòng tự trọng nào cũng không bao giờ cho phép nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, bởi nó là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đã là người con dân tộc Việt Nam, chúng ta đều phải góp sức mình cho sự nghiệp vĩ đại này nhằm khẳng định cái đúng, bảo vệ lẽ phải, quyết tâm trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới - những người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý. Chúng ta phải nhận diện rõ và cảnh giác với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc cũng như có chiến lược một cách bài bản và toàn diện về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng tự vệ, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, an ninh quốc phòng, chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng… Đặc biệt, cần có sự đầu tư thích đáng cho việc đấu tranh về mặt pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền quốc gia của chúng ta.

- Cảm ơn PGS đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!