Trung Quốc dẹp nạn taxi “dù”

ANTĐ - Khi du khách bước ra khỏi một ga tàu hỏa ở phía nam Thủ đô Bắc Kinh, sẽ có hàng chục chiếc xe taxi “dù” tích cực chèo kéo khách. Trong vai một hành khách, phóng viên của trang CRIENGLISH.com hỏi giá tới một địa điểm cách nhà ga khoảng 10,8km, ngay lập tức lái xe “hét giá” 300NDT, cao hơn gấp 10 lần so với khoảng 29 NDT khi đi xe taxi hợp pháp. 

Một phụ nữ bị thương sau khi nhảy ra khỏi taxi “dù” ở Bắc Kinh hôm 25-12.

Cô bị lái xe cướp tiền và tấn công tình dục

Tràn lan taxi “dù”

Không chỉ ở Bắc Kinh, tình trạng taxi “dù” diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn của Trung Quốc. “Bạn chỉ cần sắm một chiếc xe và bắt đầu kinh doanh taxi”, luật sư Yi Shenghua nói với tờ Chinadaily. Họ hoạt động không có giấy phép, sử dụng đồng hồ công-tơ-mét giả, không đăng ký bảo hiểm và sử dụng những chiếc ô tô “quá đát” với biển số giả. Chưa hết, để có thể hoạt động bình thường, chủ nhân của những chiếc taxi này đã sơn màu xe giống với taxi của các hãng hoạt động hợp pháp, nhằm đánh lừa hành khách.

Sở dĩ số lượng taxi “dù” phát triển nhanh tại Trung Quốc do nghề này kiếm tiền nhanh mà lại không phải trả phí cho công ty taxi. Lái xe Wan Weidong cho biết, chỉ trong 3 tháng, chủ nhân của những chiếc xe này có thể hoàn vốn và sau đó thu lợi. Bởi vậy, hoạt động của taxi “dù” không chỉ diễn ra tại sân bay, ga điện ngầm mà bất cứ nơi nào có thể bắt khách. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh taxi hợp pháp, những taxi “dù” còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông khi chèo kéo khách, chiếm dụng lòng đường. Một hành khách đi xe buýt ở Lan Châu cho biết, nhiều khi không dám xuống vì khi vừa mới mở cửa đã có nhiều lái xe taxi “dù” túm lấy hành lý với hy vọng sẽ mời được khách vào xe. Nếu ai có ý ngăn cản là có thể xảy ra ẩu đả. 

Ngang nhiên “móc túi” hành khách

Theo quy định an toàn giao thông của Trung Quốc, những chiếc taxi phải bị loại bỏ sau 8 năm hoạt động. Thường thì chúng được bán lại cho các cửa hàng phế liệu với giá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, những chiếc xe đã qua sử dụng này không bị tháo dỡ mà lại được bán cho các tay kinh doanh taxi bất hợp pháp với giá khoảng 20.000NDT. Sau đó, chỉ cần một vài thủ thuật, chiếc xe được sơn màu giống như xe taxi với hộp đèn trên nóc, công-tơ-mét trong xe và giấy phép giả. 

Nhiều hành khách đã phàn nàn về việc họ bị taxi giả “móc túi”. Một phụ nữ từng nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng, cô đi taxi hết 10NDT, nhưng người lái xe từ chối nhận với lý do tiền bị rách. Cuối cùng, cô phải đưa tờ tiền 100NDT, tuy nhiên sau khi xuống xe, cô mới phát hiện mình bị lừa. Khi gọi điện thoại tới số điện thoại ghi trên hóa đơn thì được trả lời rằng đó không phải là taxi của hãng. “Đó là kiểu taxi giả, sao chép giấy phép của các hãng taxi thật. Chúng tôi đã biết đến một số trường hợp khách bị lừa thế này”, nhân viên Công ty taxi Yuyang Bắc Kinh giải thích. 

Trái lại, lái xe taxi hợp pháp phải gánh đủ các khoản chi phí kinh doanh như trả phí thuê xe trung bình 5.000NDT/tháng cho công ty taxi. Có tháng số tiền phải trả lên tới 10.000NDT gồm cả tiền xăng dầu và bảo hiểm. “Bạn không có đủ tiền để chi trả nếu tai nạn giao thông xảy ra vì giá thuê xe đã quá cao rồi. Một vụ tai nạn ở đuôi xe cũng mất cả tháng lương”, anh Wan nói. Đó là chưa kể nếu hành khách bị thương, lái xe sẽ bị phạt vì gây nguy hiểm đến người dân. Theo luật hiện hành của Trung Quốc, người điều khiển xe trái luật có thể bị phạt số tiền lên tới 20.000 NDT.  

Nỗ lực ngăn chặn

Taxi “dù” thường bắt khách tại những nơi có nhiều khách nước ngoài và người từ tỉnh khác tới Bắc Kinh không biết đường nên dễ bị “chặt chém”. Một thanh niên người Pháp tên Julien 26 tuổi chia sẻ trên trang mạng Sina Weibo rằng, anh tới Bắc Kinh công tác lần đầu tiên vào ngày 16-9 vừa qua nhưng bị sốc vì cước taxi quá đắt. Anh bị tính cước 451NDT cho hành trình dài 40 phút từ sân bay quốc tế ở Thủ đô Bắc Kinh. 

Tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, có 6.500 taxi hợp pháp từ năm 1996 và số lượng này vẫn giữ nguyên cho đến nay trong khi dân số không ngừng tăng nhanh, bởi vậy nó vô tình tạo cơ hội cho xe taxi “dù” hoạt động. Theo ông Qi Jiansong, người đứng đầu cơ quan quản lý giao thông địa phương, hiện Lan Châu có hơn 10.000 taxi “dù” hoạt động trái phép. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Bắc Kinh, nơi số lượng taxi vẫn duy trì từ 6.000-7.000 chiếc từ năm 2004, trong khi dân số thành phố đã vượt quá 21 triệu người. Tính ra, một chiếc taxi “cõng” khoảng 300 dân. 

Không chỉ “móc túi” khách hàng, những chiếc taxi này còn làm thâm hụt ngân sách và làm xấu hình ảnh của địa phương trong mắt du khách. Nhà chức trách tại thành phố Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy mới đây đã ra quyết định tiêu hủy 156 xe taxi bất hợp pháp. Ngoài việc tăng cường xử phạt những lái xe bất hợp pháp, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cả hành khách và lái xe. Hiện mức phạt cao nhất là 5 năm tù giam, tuy nhiên, chừng đó dường như chưa đủ.