Trung Quốc đau đầu đối phó tình trạng trẻ bị bỏ rơi

ANTĐ - Phía sau cánh cửa mỗi căn phòng tại Trung tâm nuôi dưỡng “Hy vọng mới” ở ngoại ô Bắc Kinh (Trung Quốc) là danh sách tên tuổi và tình trạng bệnh tật của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Có em được đưa tới đây bị mắc bệnh tim bẩm sinh, có em bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt. Chúng đều còn rất nhỏ và giống như phần lớn những trẻ mồ côi ở Trung Quốc, chúng đều là trẻ khuyết tật.
Trung Quốc đau đầu đối phó tình trạng trẻ bị bỏ rơi ảnh 1
Một cặp bé gái song sinh dính liền nhau bị cha mẹ bỏ rơi ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc)

Đa số là trẻ khuyết tật

Cũng giống như Trung tâm “Hy vọng mới”, trại trẻ mồ côi Tế Nam ở thành phố Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, mới đây đã mở điểm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi đầu tiên (hay còn gọi là “đảo an toàn”) vào đúng ngày 1-6, Ngày Quốc tế trẻ em. 

“Đảo an toàn” là một căn phòng nhỏ nằm sát trại trẻ mồ côi để các ông bố, bà mẹ bỏ lại con cái mà không muốn công khai danh tính. Trong mỗi cơ sở như vậy có một chiếc lồng ấp trẻ và một chuông báo động. Ai có ý định bỏ con sẽ vào trong căn phòng này và đặt trẻ vào trong chiếc lồng ấp, bấm chuông báo động và rời đi. Sau 5-10 phút, nhân viên phúc lợi xã hội sẽ đến và đón đứa trẻ. Theo CNN, tại “đảo an toàn” có đặt biển hướng dẫn chi tiết cách thức bỏ lại đứa trẻ. Theo đó, các bậc cha mẹ được đề nghị để lại giấy tờ ghi rõ ngày sinh, cũng như các thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của con. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, chỉ trong 11 ngày, 106 trẻ, tất cả đều bị khuyết tật hoặc có vấn đề về sức khỏe, bị bỏ rơi tại cơ sở này, cao hơn số lượng 85 trẻ mà thành phố tiếp nhận trong cả năm 2013.

Tại một cơ sở khác ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, có ngày người ta ghi nhận 8 lượt bố mẹ bỏ con và các bé đều bị khuyết tật. Có bé mắc bệnh bạch cầu là con một gia đình giàu có được chở đến bằng ô tô. Một người thân bế bé đưa vào trại, trong khi bố mẹ thậm chí không  bước ra khỏi xe để nhìn con lần cuối. Trường hợp khác, một bà mẹ ôm chặt đứa con mắc bệnh Down, mặt thất thần cho đến khi nghe tiếng người bảo vệ nói như ra lệnh: “Đưa đứa trẻ vào bên trong và đi ra”.           

Sau khi khai trương ngày 28-1 vừa qua, cơ sở này đã buộc phải ngừng hoạt động vì quá tải với 262 trẻ bị bỏ rơi, hầu hết trong số chúng đều là trẻ khuyết tật như bị bại não, mắc bệnh Down và bị dị tật tim bẩm sinh. 

Bỏ con vì... không muốn nuôi

“Đảo an toàn” đầu tiên được đưa vào thử nghiệm tại Trung Quốc năm 2011 và hiện đã tăng lên 32 điểm tiếp nhận trên toàn quốc. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, có 576.000 trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng, nhưng nhu cầu thực tế là gần 1 triệu trẻ. Sở dĩ số lượng trẻ bị bỏ rơi gia tăng là do làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành phố tìm việc làm. Tại thành phố Thâm Quyến, hầu như mỗi ngày đều có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thường là nữ lao động nhập cư bỏ con vì mang thai ngoài ý muốn. 

Cách đây 1 thập kỷ, trẻ mồ côi tại Trung Quốc thường là những bé gái khỏe mạnh, do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người dân nước này. Thế nhưng, hiện nay, chính quyền Trung Quốc ước tính có tới 98% trẻ em bỏ rơi bị khuyết tật khi nhiều bậc phụ huynh quyết định bỏ con chỉ vì lý do đơn giản là họ không muốn hoặc không kiếm đủ tiền nuôi con bệnh tật. 

Việc tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi cũng gây ra không ít tranh luận trong xã hội Trung Quốc. Một cuộc khảo sát thực hiện tại Thâm Quyến cho thấy 82% ủng hộ thành lập “đảo an toàn”, 67% cho rằng điều này sẽ tăng thêm cơ hội cứu sống các em, chỉ có 15% phản đối. “Nếu chúng ta từ chối với lý do tạo điều kiện thuận lợi cho tội bỏ rơi con cái, thì thực tế chúng ta đang hy sinh mạng sống trẻ sơ sinh, mà điều đó là vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội”, Tang Rongsheng, Giám đốc Trung tâm Phúc lợi Thâm Quyến nói. Trong khi đó, ông Dale Rutstein, Giám đốc truyền thông của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng thêm cơ sở tiếp nhận trẻ không giải quyết được tận gốc vấn đề. “Thêm trại trẻ mồ côi nghĩa là thêm “đảo an toàn” và thêm trẻ bị bỏ rơi”, ông Dale Rutstein nhận định.

Phân biệt đối xử cả trẻ bị bỏ rơi

Do số lượng trẻ bị bỏ rơi đông, nên chính quyền thành phố Tế Nam đã đưa ra một số quy định nhằm hạn chế việc tiếp nhận trẻ. Đơn cử như trường hợp một người đàn ông 21 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, bế theo đứa trẻ cùng 1 túi đồ đi tới “đảo an toàn” nhưng bị nhân viên trại trẻ mồ côi cùng bảo vệ chặn lại. Người đàn ông buộc phải bế đứa trẻ quay về, nước mắt giàn giụa nói rằng con anh bị bệnh não úng thủy. “Tôi chỉ muốn để con ở đó để cháu có thêm cơ hội sống. Chúng tôi không có tiền chữa trị cho cháu”, người đàn ông vừa lau nước mắt vừa nói. 

Khi được hỏi vì sao không nhận, nhân viên trại trẻ mồi côi nói rằng theo quy định mới của chính quyền Tế Nam, họ chỉ được phép nhận trẻ dưới 1 tuổi và có hộ khẩu ở Tế Nam. Thời gian các bé có thể được bỏ lại tại “đảo an toàn” là từ 9h sáng tới 17h cùng ngày. Đáng chú ý, một nhóm cảnh sát, nhân viên trại trẻ mồ côi và người tình nguyện đứng gác tại “đảo an toàn” 24/24h để giám sát việc thực thi đúng quy định. 

“Trên thực tế, trẻ sơ sinh đang bị vứt vào thùng rác, bên lề đường, trước cổng bệnh viện hoặc trước trụ sở Bộ Nội vụ. Cho nên chúng ta phải điều chỉnh luật để tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi một cách nhân đạo hơn”, Tiến sĩ  Wang Zhenyao, một cựu quan chức Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết. Theo ông Wang, Trung Quốc hiện chỉ có 10.000 nhân viên phúc lợi xã hội chăm sóc 100.000 trẻ em bị bỏ rơi, tương đương với tỷ lệ 1/10. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển hơn, tỷ lệ thường là 2 nhân viên phúc lợi xã hội chăm sóc 1 trẻ. Bộ Nội vụ Trung Quốc đặt mục tiêu đầy tham vọng tăng số nhân viên phúc lợi xã hội lên 2 triệu người vào năm 2015. Ông Wang cho rằng, việc thành lập các “đảo an toàn” là bước đi đúng hướng, nhưng thừa nhận rằng việc thay đổi quan niệm và cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội là một trong những thách thức của nước này trong những năm tới.