Trung Quốc đánh bóng hình ảnh tại G20?

ANTD.VN - Hôm nay 4-9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ khai mạc tại thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc.

Trung Quốc đã sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20

Đây là dịp để nước chủ nhà tô bóng hình ảnh quốc tế của mình và tái khẳng định tư thế một cường quốc “có trách nhiệm”, vốn bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là Biển Đông. 

G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9. Hội nghị có mục đích giúp điều phối thương mại toàn cầu và chính sách tài chính, mang lại cho các nước đang nổi lên một tiếng nói lớn hơn trong cuộc bàn thảo đó. Vì vậy, Trung Quốc đang muốn tạo dấu ấn đối với nhóm 20 nước vốn chiếm tới 85% GDP và 2/3 dân số của thế giới. “Chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ tạo thêm động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhận định. 

Ở Hàng Châu, Bắc Kinh sẽ xoáy mạnh hơn vào những nỗ lực trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, vào sự vươn lên của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng để làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới, cũng như kế hoạch đầu tư quy mô lớn nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa” mới. Nỗ lực này được Bắc Kinh thúc đẩy giữa lúc uy tín của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị sứt mẻ do sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ và sự suy giảm nặng nề của tỷ lệ tăng trưởng. 

Mặc dù nước chủ nhà Trung Quốc chỉ muốn giới hạn nghị trình vào vấn đề kinh tế, nhưng những hành động của Bắc Kinh thời gian qua trên Biển Đông đã khiến các quốc gia ven Biển Đông cũng như Mỹ lo ngại. Nhà Trắng cho biết, vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính sẽ được Mỹ đề cập tại Hàng Châu.

Đáng chú ý, trước thềm Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc ngừng phô trương sức mạnh và hành xử có trách nhiệm hơn đối với các tranh chấp trên Biển Đông. “Nếu bạn ký kết một hiệp ước kêu gọi sử dụng biện pháp trọng tài quốc tế giải quyết các vấn đề hàng hải, thì thực tế là dù bạn có lớn hơn Philippines hay Việt Nam hoặc các nước khác…, đó không phải là lý do để bạn đi khắp nơi phô trương sức mạnh. Bạn phải tuân thủ luật pháp quốc tế”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.

“Ở những nơi Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế như tại Biển Đông hay với một số hành vi của họ về chính sách kinh tế, chúng tôi luôn rất cứng rắn. Chúng ta phải cho họ thấy các hành động đó sẽ phải hứng chịu hậu quả”, ông Obama nói.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, Tổng thống Mỹ cũng sẽ thúc đẩy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường sức ép lên Triều Tiên, bất chấp việc hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dự định triển khai tại Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo khác trong G20 có thể tránh đụng chạm Bắc Kinh để tranh thủ Trung Quốc trên các vấn đề chiến lược khác. Theo Reuters, mặc dù hy vọng củng cố vị thế cường quốc thế giới thông qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20, Bắc Kinh vẫn tỏ ra lo ngại phương Tây và các đồng minh sử dụng vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ mậu dịch phá hỏng ý định chiến lược của mình tại hội nghị. 

Trung Quốc phê chuẩn Thỏa thuận Paris

Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thông báo trên được đưa ra trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau tại Trung Quốc để cùng công bố phê chuẩn thỏa thuận lịch sử này trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau hai tuần đàm phán căng thẳng, cần được ít nhất 55 quốc gia, chiếm 55% lượng khí thải toàn cầu, phê chuẩn để có hiệu lực. Trong thỏa thuận này, các nước đồng ý cắt giảm lượng khí thải đủ để giới hạn tình trạng Trái đất ấm dần lên ở mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. Trước Trung Quốc, 23 quốc gia khác đã phê chuẩn thỏa thuận này.