Trung Quốc đang “thay đổi thực trạng” ở Biển Đông

ANTĐ -Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi thực trạng” ở Biển Đông khi tiến hành xây dựng, mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Hành động này đang đi ngược lại các cam kết của các bên trong việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông theo DOC và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), gây căng thẳng trong khu vực. Xung quanh vấn đề này, báo Jakarta Globe số ra mới đây có bài “Trung Quốc tạo ra đám cháy mới ở Biển Đông” của chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Jamil Maidan Flores.

Ảnh chụp từ bộ Atlas thế giới - Brussels - 1827, quyển 2. Ảnh: Quân.Trần (Báo ANTĐ)

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đang có chuyến công tác ở Jakarta, có cuộc trao đổi với Hội đồng đối ngoại Indonexia (ICWA) trong tuần này. Hy vọng ông sẽ “gột bỏ” được yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông dựa trên tuyên bố “đường 9 đoạn” gây nhiều tranh cãi. Thẩm phán Carpio đã từng nói chuyện trước nhiều đối tượng khán giả khác nhau về cách Trung Quốc đang tráo trở về “một sự gian lận lịch sử khổng lồ” rằng Biển Đông là sự thừa kế từ tổ tiên người đi biển của nước này.

Nhất trí với những gì thẩm phán Carpio nói rằng nếu có bất kỳ ai kế thừa chính đáng từ tổ tiên những người đi biển ở Biển Đông, đó là những người Malay, người Okinawa, Polynesia và người Maori của New Zealand. Thẩm phán Carpio cũng nói rằng các thủy thủ dũng cảm người Áo đã đi khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông vào đầu những năm 4000 trước Công nguyên. Ngược lại, Đô đốc người Trung Quốc Trịnh Hòa, nổi tiếng với những chuyến đi biển không sớm hơn thế kỷ thứ XV. Vì vậy, nhiều yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông dựa trên cơ sở của “sự kiện lịch sử”.

Ông Carpio cho rằng, bạn không thể vẽ một bản đồ và sau đó đơn phương tuyên bố bất cứ điều gì chỉ định ở trong các bản đồ đó. Nhưng nếu vấn đề này sẽ được giải quyết bằng trận chiến bản đồ, ông Carpio cũng có rất nhiều “đạn dược”.

Kho vũ khí bản đồ cổ của ông bao gồm cả những tấm bản đồ do người Trung Quốc vẽ cho thấy rằng lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Cổ nhất trong số này là hình ảnh tấm bản đồ khắc trên đá có niên đại 1136 CE (Công nguyên). Những bản đồ mới nhất lần lượt vào những năm 1893, 1929, và 1933. Một gói 33 bản đồ khác, lâu đời nhất được xuất bản vào năm 1636 và gần đây nhất vào năm 1940, cho thấy bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dựa trên “đường 9 đoạn”, luôn là một phần của Philippines.

Thẩm phán Carpio cũng đưa ra các tài liệu, báo cáo xác nhận Hải Nam là điểm cực Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, bản đồ và các sự kiện lịch sử về phát hiện và thăm dò không thực sự quan trọng, những gì UNCLOS đề cập mới mang tính quyết định. Vì vậy, năm 2009, Philippines đã thông qua một đạo luật xác định lại đường cơ sở quần đảo để phù hợp với UNCLOS, do đó nước này từ bỏ 15.000 dặm vuông (khoảng 38.000km2) khỏi lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, khi sự cáu giận dâng cao, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở nước này đã cho rằng luật pháp bị “chà đạp” không hợp hiến.
Thẩm phán Carpio đã dự thảo ra những quyết định mang tính thống nhất của Tòa án tối cao, nhằm duy trì tính hợp hiến của Luật đường cơ sở quần đảo Philippines. Xác định lại đường cơ sở quần đảo đã góp phần đi đến một hiệp ước lịch sử năm 2014 về phân định ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế chung (EEZ) giữa Philippines và Indonesia. Nhưng trong khi Philippines, Indonesia và một số nước ASEAN khác đang phát huy UNCLOS, Trung Quốc đang tham gia cuộc chơi với các đối số hoàn toàn khác nhau: thay đổi thực trạng ở Biển Đông.

Cách đây không lâu, Trung Quốc chỉ có cụm các lô cốt bê tông trên đảo san hô ở quần đảo Trường Sa. Ngày nay, Trung Quốc tiến hành xây dựng rầm rộ 5 hòn đảo mới trên 5 bãi đá, đảo khác nhau được cải tạo từ đất và đá từ dưới đáy biển. Ít nhất trên một trong số chúng, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ không quân để máy bay chiến đầu có thể cất và hạ cánh. Động thái này đang thay đổi triệt để nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa sự cân bằng chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, và tạo ra một đám cháy mới dữ dội về một cuộc xung đột vũ trang. Nó cũng thách thức chiến lược “trục hàng hải toàn cầu” của Indonesia.

Chuyên gia phân tích Jamil Maidan Flores kết luận rằng, sẽ mất nhiều sức hơn đối với thẩm phán thông thái luật học Carpio để tháo dỡ các tàu sân bay cố định mà Trung Quốc đang xây dựng. ASEAN cần phải gấp rút thực hiện ngay chính sách ngoại giao phòng ngừa, ít nhất để các cuộc đàm phán hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông không trở nên vô nghĩa. Nếu thất bại, một trong hai kịch bản có thể xảy ra: Trung Quốc sẽ phủ bóng lên khu vực như một bá quyền, hoặc một đám cháy lớn nhấn chìm tất cả các biên liên quan ở Biển Đông.