Trung Quốc đang ngang nhiên biến Biển Đông thành "ao nhà"

ANTĐ - Liên quan đến việc truyền thông quốc tế đưa tin, mới đây, Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) xung quanh sự kiện này.

Trung Quốc đang ngang nhiên biến Biển Đông thành "ao nhà" ảnh 1

- PV: Ông đánh giá như thế nào về việc truyền thông quốc tế đưa tin, mới đây, Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam?

- PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đầu tiên, phải khẳng định lại rằng trong các tài liệu, chứng cứ lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Tại Hiệp định Geneve năm 1954, Trung Quốc cùng Mỹ, Nga, Pháp, Anh đã đặt bút ký, khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nói thế để thấy, chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa là không phải bàn cãi. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc phát động đánh chiếm Hoàng Sa, trước đó, họ chưa bao giờ làm chủ ở đây cả.

Hành động của Trung Quốc vi phạm khoản 3 và 4, Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) quy định rằng: “Các thành viên LHQ phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không được đe dọa dùng vũ lực và cấm dùng vũ lực trong lãnh thổ tranh chấp”. Vì vậy, việc mới đây họ lại đưa tên lửa đất đối không vào khu vực này là tiếp tục vi phạm Hiến chương LHQ; Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Từ năm 2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã 6 lần ký cam kết chung. Ngày 25-9-2015, tại Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và quan chức quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố công khai: “Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông”, nhưng hành động của họ lại đi ngược với luật pháp, với cam kết của chính họ.

Trung Quốc đang ngang nhiên biến Biển Đông thành "ao nhà" ảnh 2

Ảnh vệ tinh chụp ngày 14-2 từ báo chí quốc tế cho thấy Trung Quốc triển khai các bệ  phóng của hệ thồng tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm (trái) so với ảnh chụp ngày 3-2

- Nối tiếp những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm phải chăng là bước đi kế tiếp trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ?

- Việc đưa tên lửa vào đảo Phú Lâm nằm trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc là quân sự hóa Biển Đông. Đó là sử dụng hạm đội Hải Nam ở đảo Hải Nam, cùng với căn cứ quân sự tại đảo Phú Lâm và Hoàng Sa, kéo một vệt tới 2 sân bay quân sự xây trái phép ở đá Chữ Thập và đảo Gạc Ma của Việt Nam, tạo thế liên hoàn về quân sự, qua đó chủ động tấn công và phòng thủ nằm trong chiến lược chống tiếp cận.

Đây là bước đi rất nguy hiểm. Sắp tới, nhiều khả năng họ sẽ đưa máy bay tiêm kích tới đá Chữ Thập và đảo Gạc Ma, đưa máy bay ném bom chiến lược tầm xa xuống đây cùng với bố phòng quân sự ở Phú Lâm, Hoàng Sa tạo thành hệ thống phòng thủ liên hoàn, khống chế Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Đây là hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm.

- Ông có bình luận gì khi hành động trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại Mỹ, nơi vấn đề Biển Đông đang là chủ đề nóng?

- Đây hoàn toàn là hành động có chủ đích của Trung Quốc, như gián tiếp gửi thông điệp thách thức tới Mỹ và 10 nước ASEAN. Những ngày qua, Mỹ, Nhật Bản cùng cộng đồng quốc tế đã lần lượt bày tỏ quan điểm, lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Tôi cho đây là động thái kịp thời, đúng mực và chúng ta cũng cần phải bày tỏ quan điểm cứng rắn, rõ ràng về hành động leo thang nguy hiểm này của Trung Quốc.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!