Trung Quốc đang gia tăng sức ép quân sự trong khu vực

ANTĐ - Mấy năm trở lại đây, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đẩy mạnh các cuộc diễn tập thực binh với quy mô lớn, phạm vi liên căn cứ, xuyên khu vực, nhằm nâng cao khả năng thực chiến cho binh sĩ, cũng như răn đe các nước khác. 

Các hoạt động quân sự này đã biến một nước từng được mệnh danh là “Công xưởng” của thế giới trở thành một “Thao trường” quân sự rộng khắp. Chính những hoạt động này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động dân sự của đất nước họ.

Bắt đầu từ ngày 15 tháng 7, PLA liên tục tổ chức 10 cuộc diễn tập quân sự thực binh bắn đạn thật xuyên căn cứ cho lực lượng lục quân. Mục đích của các cuộc diễn tập được phía Bắc Kinh cho là tìm kiếm hướng đi, biện pháp xây dựng tổ chức, bình thường hóa trạng thái huấn luyện liên căn cứ cho binh chủng lục quân.

Để phục vụ cuộc diễn tập, Trung Quốc đã tung ra 10 lữ đoàn thuộc các lực lượng tên lửa tầm xa, pháo binh, phòng không của 6 quân khu, Nam Kinh, Thẩm Dương, Quảng Châu, Bắc Kinh, Thành Đô, Tế Nam, huy động toàn bộ quân số và trang bị, lần lượt hành quân đến 6 căn cứ huấn luyện, tiến hành tổ chức diễn tập thực binh bắn đạn thật.

Theo tờ Minh Báo, các cuộc tập trận được tiến hành ở quân khu Nam Kinh bao gồm các hoạt động bắn đạn thật của xe tăng trong điều kiện ban đêm và địa hình không quen thuộc. Không quân cũng tập cất hạ cánh theo đội hình, cứu hộ và hoạt động trong môi trường biển phức tạp.

Lực lượng xe tăng và trực thăng của lục quân Trung Quốc trong một cuộc diễn tập

Các cuộc tập trận này sẽ kéo dài liên tục khoảng 3 tháng, nhưng tính đến trước ngày 15-8, các chuyến bay ở 12 sân bay lớn phía Đông Trung Quốc sẽ bị trì hoãn hoặc tạm hủy với lý do "không quân hoạt động mật độ cao trên bầu trời", trong khuôn khổ các hoạt động diễn tập mà Trung Quốc đang tiến hành.

Thông tin này được đưa ra từ cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc. Cơ quan này cảnh báo rằng, ngoài thời tiết mưa ra, do các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên có khả năng xảy ra việc hoãn hoặc hủy tạm thời chuyến bay tại một loạt sân bay ở Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán, Trịnh Châu, Thanh Đảo và một số thành phố khác.

Diễn tập diễn ra trùng hợp với thời điểm đánh dấu tròn 120 năm ngày xảy ra chiến tranh Giáp Ngọ giữa Trung Quốc và Nhật Bản (Ngày 25/07/1894 - 25/07/2014). Thời gian tập trận cũng trùng hợp với kỷ niệm ngày kết thúc cuộc chiến này (15/08) và thời gian phát sinh mâu thuẫn lịch sử cao độ Trung - Nhật ngày 18/09.

Cách đây ít hôm, vào ngày 24/7, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã chính thức khai mạc cuộc tập trận chung 3 bên, tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền nam Nhật Bản mang tên Malabar, kéo dài một tuần tại Thái Bình Dương, nhằm tăng cường hợp tác hải quân giữa 3 nước và đối phó với một Trung Quốc ngày một cứng rắn, quyết đoán trong vấn đề tranh chấp trên biển.

Diễn tập của lực lượng tăng - thiếp giáp Trung Quốc

Trong tình hình đó, Bắc Kinh tuyên bố, bắt đầu từ ngày 29-7 đến ngày 2-8, từ 0 giờ đến 18 giờ hàng ngày, nước này sẽ tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở khu vực biển Hoa Đông - khu vực đang xảy ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku và gần với khu vực mà Washington, Tokyo và New Delhi đang tổ chức diễn tập.

Theo như nhận định của truyền thông Nhật Bản, đối với các cuộc diễn tập thông thường theo kế hoạch huấn luyện hàng năm, thời gian diễn tập như thế là quá dài và ít thấy. Hơn nữa, nó cũng nhằm đúng vào những thời điểm lịch sử và các hoạt động của quân đội Mỹ-Nhật nên có quan điểm cho rằng, cuộc tập trận của Bắc Kinh lần này mục đích là nhằm đối phó với Tokyo.

Nhưng xét về bản chất, chính xác phải nói là Bắc Kinh muốn dằn mặt Mỹ-Nhật, biểu lộ thực lực quân sự cho các nước này thấy là quân đội Trung Quốc giờ đây đã trở thành một đội quân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Các cuộc diễn tập quy mô lớn không trên không, trên bộ và trên biển cho thấy tham vọng quân sự của Bắc Kinh đang ngày một nguy hiểm hơn đối với các nước láng giềng.