Trung Quốc "dằn mặt" tàu sân bay Mỹ

ANTĐ - Việc Trung Quốc bất ngờ từ chối tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ thăm cảng Hồng Kông được xem là cú “dằn mặt” của Bắc Kinh sau khi tàu sân bay này thực hiện chuyến tuần tra trên Biển Đông nhằm răn đe những hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý và hung hăng của Trung Quốc.

Trung Quốc "dằn mặt" tàu sân bay Mỹ ảnh 1

Trung Quốc vào phút chót bất ngờ từ chối cho nhóm tàu sân bay USS John C.Stennis của Mỹ cập cảng Hồng Kông

Tờ “Nước Mỹ ngày nay” (USA Today) ngày 3-5 cho hay, Trung Quốc đã từ chối cho phép nhóm tàu sân bay do tàu USS John C. Stennis dẫn đầu cập cảng Hồng Kông. Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua Trung Quốc từ chối một tàu sân bay Mỹ sau lần từ chối cho tàu sân bay USS Kitty Hawk thuộc Hạm đội 7 cập cảng vùng đất vốn là thuộc địa của Anh nhưng nay đã thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh về chính sách an ninh và đối ngoại.

Theo kế hoạch đã được Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận từ trước, nhóm tàu gồm tàu sân bay USS John C. Stennis cùng 2 tàu khu trục, 2 tàu hành trình và một tàu thuộc Hạm đội 7 sẽ ghé thăm cảng Hồng Kông trong 3 ngày, từ 28 đến 30-4. Tuy nhiên, vào giờ chót trước khi nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis vào cảng Hồng Kông, Trung Quốc bất ngờ thông báo từ chối tiếp nhận nhóm tàu chiến này của Mỹ.

Điều đáng nói là Trung Quốc không đưa ra lý do cụ thể khi đột ngột thông báo hủy chuyến thăm cảng Hồng Kông của nhóm tàu sân bay Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó chỉ giải thích một cách chung chung rằng, các chuyến thăm cập cảng Hồng Kông của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ được xem xét trên “cơ sở từng trường hợp một theo các nguyên tắc chủ quyền và hoàn cảnh cụ thể”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lý do khiến Bắc Kinh “cấm cửa” biên đội tàu sân bay USS John C. Stennis là do chiếc tàu này vừa thực hiện chuyến tuần tra trên Biển Đông nhằm bảo đảm tự do và an ninh hàng hải trên vùng biển chiến lược trọng yếu này. Đáng chú ý là vào ngày 15-4 vừa qua khi tàu sân bay này tới cách bờ biển Philippines khoảng 100km trong chuyến tuần tra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng người đồng cấp Philippines là ông Voltaire Gazmin đã bay trực thăng ra thăm.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái trên khiến Trung Quốc “khó chịu” bởi ông Carter khi ở trên tàu sân bay USS John C. Stennis đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, đồng thời cam kết duy trì tự do và an ninh hàng hải.

Chính vì thế, theo chuyên gia Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, việc Trung Quốc từ chối nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis ghé thăm cảng Hồng Kông là sự đáp trả “trực tiếp và thách thức” đối với chuyến thăm của Bộ trưởng Carter tới con tàu nằm trong nhóm tàu chiến có khả năng tác chiến mạnh nhất của hải quân Mỹ khi nó đang thi hành sứ mệnh khẳng định tự do hàng hải cũng như bác bỏ những tuyên bố cùng hành động hung hăng đòi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Do đó, ông Alessio Patalano, một chuyên gia về Đông Á thuộc Đại học Kings College ở Anh, cho rằng Mỹ không thể làm ngơ trước động thái “dằn mặt” của Bắc Kinh và cần có biện pháp đáp trả trước hành động này cũng như việc Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch cải tạo bãi cạn Scarborough bằng cách đưa một vài tàu khu trục đến neo đậu tại bãi cạn này, đồng thời rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC vào tháng tới tại Hawaii.

Ông Patalano nêu rõ, việc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới này sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ đối với cả Trung Quốc cũng như các đối tác của Mỹ.