"Trung Quốc đã tự chuốc lấy thảm họa ở biển Đông"

ANTĐ -Theo ông Heydarian, không chỉ thúc đẩy Việt Nam và Philippines xích lại gần nhau, việc Trung Quốc gây hấn đã báo động các bên không đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông hành động bởi lo ngại hậu quả đối với ổn định khu vực và tự do lưu thông hàng hải quốc tế.


Bản tin phát thanh ngày 9-6-2014 do Báo ANTĐ sản xuất



Trung Quốc đã tự chuốc lấy thảm họa ở biển Đông

Cố vấn chính sách Hạ viện Philippines Richard Javad Heydarian nhận định trên tạp chí National Interest (Mỹ) rằng, Trung Quốc đã tự chuốc lấy thảm họa ở biển Đông; đang tự làm vấn đề tranh chấp ở biển Đông được quốc tế hóa nhanh hơn, điều mà Bắc Kinh luôn cố tránh.

Theo ông Heydarian, không chỉ thúc đẩy Việt Nam và Philippines xích lại gần nhau, việc Trung Quốc gây hấn đã báo động các bên không đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông hành động bởi lo ngại hậu quả đối với ổn định khu vực và tự do lưu thông hàng hải quốc tế.

Ngoài các quốc gia ASEAN, một loạt nước lớn ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc đều rất coi trọng vấn đề an ninh năng lượng và lợi ích thương mại, muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì ổn định tuyến vận tải hàng hải ở biển Đông.

Không có lô hàng nào nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7 cho biết, đã 10 ngày nay, tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) không có lô hàng hoa quả nào nhập vào Việt Nam. Nguyên nhân có thể do thời vụ bên phía Trung Quốc và hoa quả tươi của Việt Nam thời điểm này đang nhiều và rẻ nên không có nhu cầu nhập khẩu.

Đã 10 ngày nay, tại của khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn không có lô hàng hoa quả nào nhập khẩu vào Việt Nam


Về thông tin 270 tấn rau quả Trung Quốc nhiễm độc tuồn sang Việt Nam, sau đó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có thông báo gửi Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc và Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc trả lời, bà Hà cho biết, 17 lô hàng này được tổng hợp từ các chi cục trên toàn quốc từ năm 2013.

Sau khi phân tích, tìm hiểu, mới đây, các ngành chức năng có phản ứng kể trên yêu cầu Trung Quốc có biện pháp khắc phục. Số hàng trên gồm các loại nho, chanh, hồng quả, cam, táo, quýt tươi, cà rốt, củ cải trắng.

Tàu Trung Quốc ngày càng có biểu hiện manh động hơn

Chiều 8-6 Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày, các tàu cá Trung Quốc (khoảng 35-40 chiếc) luôn được sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh và các tàu cá này có biểu hiện manh động hơn.

Cụ thể các tàu cá Trung Quốc đẩy ép các tàu cá của Việt Nam khi đang khai thác ở ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ra cách xa giàn khoan khoảng 40 hải lý.

Tại khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép, khoảng 120 tàu Trung Quốc (gồm 4 tàu chiến, 40 tàu hải cảnh, hơn 30 tàu vận tải và tàu kéo, 35-40 tàu cá) tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn chặn quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu kiểm ngư nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu kiểm ngư ra xa khu vực giàn khoan.

Tàu Trung Quốc ngày càng hành động manh động hơn


Trong ngày 8-6, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng máy bay để hoạt động trinh sát trong khu vực giàn khoan, ở độ cao 300-500m.

Phía Việt Nam, các tàu kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ đấu tranh với cường độ cao ở khoảng cách 8-11 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiếp tục bám trụ tại ngư trường truyền thống, cách giàn khoan 35-40 hải lý, vừa tổ chức đánh bắt thủy sản vừa đấu tranh phản đối Trung Quốc và đòi ngư trường, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.