Trung Quốc đã phát triển sức mạnh hạt nhân của mình như thế nào? (1)

ANTĐ - Ngày 16 tháng 10 năm 1964, tại khu thử nghiệm hạt nhân Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc cho nổ thành công thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình.

Từ đó cho đến nay, Trung Quốc luôn khẳng định học thuyết vũ khí nguyên tử của mình luôn dựa trên nguyên tắc “không để sử dụng đầu tiên” đồng thời giới chức quân đội Trung Quốc đã đặc tính hóa vũ khí nguyên tử của mình là biện pháp ngăn chặn tối thiểu trước các vụ tấn công nguyên tử từ đối phương.

Mặc dù quy mô chính xác kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc chưa được công bố, nhưng vào năm 2008 Robert S. Norris và Hans M. Kristensen ước tính được kho vũ khí nguyên tử của nước này xấp xỉ 240 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 176 chiếc đã được triển khai. Các tính toán căn cứ vào số liệu đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ về tên lửa chiến lược của Trung Quốc từ năm 2008 đến năm 2010 cho thấy đã tăng lên đáng kể ở mức 23%.

Kể từ thời điểm khởi động chương trình vũ khí nguyên tử của mình, Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn lực tổng hợp nội địa và nước ngoài để phát triển và hiện đại hóa vững chắc kho vũ khí nguyên tử của mình từ thiết bị nổ đầu tiên thực hiện năm 1964 tại Lan Châu đến phát triển vũ khí nguyên tử chiến thuật vào những năm 1980.

Kết quả là Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ phải đánh giá Trung Quốc hiện đang sở hữu ít nhất 6 loại tổ hợp nguyên tử khác nhau, gồm: một quả bom nguyên tử loại 15-40 kiloton, một đầu đạn tên lửa loại 20 kiloton, một đầu đạn tên lửa hạt nhân tầm nhiệt loại 3 megaton, một quả bom trọng lực loại 3 megaton, một đầu đạn tên lửa loại 4-5 megaton, và một đầu đạn tên lửa loại 200-300 kiloton. Trung Quốc được cho là đang sở hữu tổng cộng 150 đầu đạn hạt nhân chiến thuật được gắn vào tên lửa đạn đạo và cũng có thể là tên lửa hành trình.

 

Trong một báo cáo thường niên (năm 2010) gửi lên Quốc hội về Sự phát triển Quân sự và An ninh của Trung quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh “Trung Quốc đang phát triển sức mạnh tên lửa chiến lược cả về chất lượng và số lượng”. Báo cáo này nêu ra một số các hệ thống tên lửa có khả năng sử dụng công nghệ nguyên tử như: xấp xỉ 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng ống chứa nhiên liệu lỏng DF-5 (CSS-4) ICBM, gần 30 tên lửa ICBM cơ động trên bộ sử dụng nhiên liệu thể rắn DF-31 (CSS 10 Mod-1) và DF-31A (CSS 10 Mod-2); xấp xỉ 20 tên lửa ICBM tầm ngắn sử dụng nhiên liệu lỏng CSS 3; 15-20 tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng CSS-2; nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu thể rắn, cơ động trên bộ loại DF-31 (CSS-5) dùng cho các nhiệm vụ đánh chặn mức khu vực và các tên lửa đạn đạo phóng từ tầu ngầm loại JL-1 ứng dụng trên tàu ngầm lớp XIA, dù khả năng tác chiến với loại tầu ngầm này vẫn còn là một câu hỏi. Trung Quốc cũng sơ hữu khoảng 350 đến 400 các tên lửa đạn đạo tầm gần (SRBM) loại DF-15 (CSS-6), 700 đến 750 đối với loại DF-11 (CSS-7) và 200 đến 500 tên lửa hành trình DH-10 (một loại tên lửa hành trình được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân).

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định tất cả các tên lửa tầm gần SRBM của Trung Quốc đều được triển khai gần Đài Loan. Gần đây nhất, Trung Quốc đã phát triển được các tên lửa tầm xa DF-31 và DF-31A và đã sản xuất được xấp xỉ 10 đến 15 tên lửa mỗi loại vào thời điểm có bản báo cáo năm 2010 trên và con số này sẽ tiếp tục được tăng thêm đến trước năm 2015. Bản báo cáo xác nhận trong khi tàu ngầm lớp JIN đã sẵn sàng nhưng hệ thống tên lửa phóng từ tầu ngầm (SLBM) JL-2 vẫn chưa vượt qua được một số thử nghiệm và vẫn trong giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thay thế dần các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng sang tên lửa sử dụng nhiên liệu thể rắn vừa có nhiều lợi thế vừa có tốc độ phóng nhanh hơn. Trung Quốc cũng tiếp tục xây dựng các khu phóng tên lửa mới cũng như nhiều kho chứa ngầm dưới lòng đất ở những vùng xa xôi trên đất liền, trong đó có sa mạc Gobi và cao nguyên Tây Tạng. Do chưa có chứng cứ về khả năng các tên lửa tầm xa được triển khai đến các vị trí mới nên các khu phóng tên lửa này được xem chủ yếu có thể là các căn cứ cho các vụ phóng tên lửa nhằm vào Nga và Ấn Độ. 

Một mặt không ngừng phát triển hơn nữa kho vũ khí, một mặt Trung Quốc hạn chế đến mức tối đa thông tin và chiến lược phát triển của mình với cộng đồng quốc tế. Ví dụ, sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2008 đề cập chi tiết đến chính sách “không sử dụng đầu tiên” của Bắc Kinh và chỉ sơ qua một số giai đoạn cảnh báo về hật nhân của mình. Trong khi thừa nhận một cách không thẳng thắn, những tiết lộ mang tính xây dựng lòng tin này chỉ là một bước đi nhỏ hướng đến tính minh bạch cần thiết.

(Còn nữa)