Trung Quốc cố “phớt lờ” bất đồng, Mỹ thẳng thẳn trong đối thoại S&ED

ANTĐ - Sáng nay (23-6), vòng đàm phán Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) sẽ chính thức diễn ra và dự kiến kéo dài trong 3 ngày. Giới quan sát dự đoán đây sẽ là vòng đối đầu đầy thách thức khi mà cả hai bên đang có quá nhiều căng thẳng, bất đồng.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sáng 22-6, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương tại Washington. Cả hai bên đã bước đầu đã có những chia sẻ thẳng thắn nhất trước thềm vòng đàm phán S&ED.

Về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken đã nhiều lần nhắc lại mối quan tâm, theo đuổi của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là tuyên bố hoàn tất việc xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp vài ngày trước đây. Dự kiến điều này sẽ được làm rõ trên bàn đàm phán giữa hai bên.

Ngoài vấn đề Biển Đông, mối lo ngại về an ninh mạng của Mỹ từ các tin tặc Trung Quốc cũng sẽ được “giải quyết thẳng thắn minh bạch nhất” trong vòng đối thoại.
Trung Quốc cố “phớt lờ” bất đồng, Mỹ thẳng thẳn trong đối thoại S&ED ảnh 1Mỹ-Trung Quốc đối thoại trong căng thẳng

Các quan chức Mỹ cho biết, dù rằng Bắc Kinh đang cố gắng “phớt lờ” những bất đồng và chỉ chú trọng đến phát triển quan hệ, nhưng S&ED sẽ là cơ hội để Washington giải quyết những căng thẳng đang leo thang gần đây giữa hai nước.

Các cuộc đàm phán Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung năm nay được diễn ra tại Washington, dưới sự tham gia của hơn 400 quan chức Trung Quốc và Mỹ. Nó diễn ra trong đúng thời điểm mà niềm tin giữa hai bên đang ngày một suy yếu, căng thẳng mâu thuẫn ngày càng tăng, dù rằng hai bên vẫn đang cố gắng duy trì mối quan hệ kinh tế thương mại hai chiều mạnh mẽ trị giá 590 tỷ USD.

Mối quan tâm của Mỹ được đặt ra trước thách thức Bắc Kinh sẽ thống trị tài chính toàn cầu và các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hạn chế. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực bảo đảm sự ủng hộ của Quốc hội đối với pháp luật cần thiết, để tăng tốc độ thỏa thuận thương mại với 12 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc được coi là đối trọng kinh tế của Mỹ ở châu Á.

Hai bên sẽ cố gắng để giảm bớt căng thẳng bằng cách nhấn mạnh vào các lĩnh vực hợp tác, trong đó có biến đổi khí hậu, các mối quan tâm chung về Iran và chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo và hỗ trợ cho sự phát triển toàn cầu.

"Chúng tôi đã thống nhất với Trung Quốc rằng chúng tôi đang cố gắng để mở rộng hợp tác những lĩnh vực mà lợi ích có liên quan đến nhau. Tuy nhiên mục đích không phải là bỏ qua những vấn đề gây tranh cãi, hay đồng ý hay không, mà quan trọng là thu hẹp lại sự khác biệt để tránh tính toán sai lầm”, một quan chức Mỹ cho biết.

Mặc dù căng thẳng gia tăng đáng kể, nhưng Bắc Kinh đang nuôi hy vọng vòng đối thoại S&ED sẽ là cơ hội, là bàn đạp để thúc đẩy hòa bình hơn nữa cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Washington vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán triển vọng xa hơn từ các vòng đàm phán sẽ có rất ít kết quả đạt được, đồng nghĩa với việc chuyến thăm của ông Tập sẽ không có nhiều tiến bộ.

Được biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken sẽ chủ trì các cuộc đàm phán về an ninh với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại trong bàn đối thoại S&ED. Trong khi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương sẽ chủ trì các yếu tố kinh tế. Dự kiến, các quan chức hàng đầu của Trung Quốc sẽ gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng vào hôm 24-6.