Trung Quốc chống tham nhũng, giới giàu có chạy ra nước ngoài tiêu tiền

ANTĐ - Dưới thời "thế hệ lãnh đạo thứ năm”, những khách sạn năm sao - một thương hiệu lâu nay của Trung Quốc - đang có nguy cơ bị đẩy vào quá khứ. 56 trong số 680 khách sạn 5 sao yêu cầu được hạ xuống hạng mục 4 sao. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Trung Quốc Chen Myaolin, đồng thời là người đứng đầu New Century Tourism Group đã đưa ra thông tin gây sốc trên. Nhiều ông chủ rút lại đơn đăng ký qui chế cao hơn cho khách sạn của mình. Lý do thật đơn giản: Việc cấm quan chức dùng khách sạn sang đã dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu thuê phòng cao cấp.

Lớp lãnh đạo “thế hệ thứ năm" bắt buộc các quan chức cắt giảm chi phí công tác và nghỉ ngơi. Điều này ngay lập tức giáng đòn khốc liệt vào doanh thu các khách sạn đắt tiền. Trong năm 2013, doanh thu của các khách sạn năm sao của Trung Quốc bị thất thu tới 25%. Riêng sáu tháng cuối năm 2013, doanh số của toàn ngành đã giảm 14%.

Đứng trước hoàn cảnh tiêu cực, các chủ hotel sẵn sàng hạ chỉ số sao - điều mà giới kinh doanh khách sạn toàn cầu không bao giờ nghĩ tới. Tuy nhiên, trong lúc cuộc đấu tranh chống lãng phí và lên án việc đưa khách trung ương vào khách sạn sang trọng đang lên cao, thì điều này có khả năng tăng điểm chính trị cho không ít chủ khách sạn - một thứ mà đối với giới kinh doanh Trung Quốc đôi khi quan trọng hơn “tiền tươi thóc thật”.

Ngành sản xuất và kinh doanh hàng “độc" cũng rối lên vì lo lỗ. Các mặt hàng đắt tiền bỗng khó bán... Giới quan chức ngại mua và nhận quà tặng các đồ trang sức, thực phẩm cho người sành ăn, đồng hồ thương hiệu. Trung Quốc tuyên chiến với sự xa hoa vì những gì sang trọng đều liên quan đến hối lộ và tham nhũng. Đây là mặt trái của sự nghèo đói.

Chuyên viên Alexander Larin thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga nhận xét: “Các lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập tới vấn đề từ lâu. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một mâu thuẫn rất nghiêm trọng trong nước và nó đang ngày càng hằn sâu. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã lưu ý đến vấn đề này. Họ đặt ra đòi hỏi cần thiết khắc phục sự đói nghèo, phân phối lại thu nhập và phúc lợi xã hội theo hướng có lợi cho các tầng lớp thấp trong xã hội”.

Trung Quốc chống tham nhũng, giới giàu có chạy ra nước ngoài tiêu tiền ảnh 1

Khách sạn 74 tầng Long Wish, cao 328m ở Giang Tô, Trung Quốc có giá nghỉ trọ 250 USD/đêm


Các chuyên gia dự đoán rằng quan điểm cương quyết chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những người ủng hộ ông trong đảng sẽ tiếp tục kìm hãm thị trường hàng cao cấp. Nhưng những đối tượng vốn tích lũy được tài sản khổng lồ tại thị trường không dễ dàng chia tay với “cỗ máy hái ra tiền” này. Họ giảm năng suất nhưng không buông thị trường, hy vọng vào những luồng gió chính trị mới.

Tuy nhiên, tâm trạng của những chủ hàng cao cấp sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong môi trường quan chức mà mới hôm qua còn đua nhau cưỡi Limousine đi mua sắm các cửa hiệu đắt tiền. Tâm lý hưởng thụ đã hằn sâu trong đầu quan chức cao cấp Trung Quốc - những người thích kiếm tiền để hưởng thụ và kiếm tiền rất dễ. Muốn gột rửa nó không dễ, cuộc chiến chống lãng phí và tham nhũng của Trung Quốc sẽ gặp nhiều chông gai.

Không được tiêu tiền trong nước thì họ bay ra nước ngoài để tiêu, không được hưởng thụ ở nhà thì họ chạy sang nhà “hàng xóm”. Vô hình trung, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc lại phát sinh thêm một nhiệm vụ không kém phần khó khăn là chống chảy máu ngoại tệ. Các số liệu thống kê về chi tiêu của người Trung Quốc ở nước ngoài đã chứng minh luận điểm này là hoàn toàn chính xác.

Công ty Bain&Co ước tính, Hoa Kiều tiêu thụ 25-30% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu. Chi tiêu của người Trung Quốc ở nước ngoài đang tiếp tục tăng. Một người mua hàng “khiêm tốn” ở Trung Quốc có thể chi hơn gấp bốn lần khi họ ra nước ngoài. Chính các du khách này đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh số bán hàng cao cấp ở châu Âu, tiêu thụ một nửa hàng hiệu đắt tiền ở Ý, 55% ở Anh và 60% tại Pháp.

Xu hướng này cũng điển hình với thị trường hàng cao cấp tại Hoa Kỳ. Doanh thu các thương hiệu cao cấp tăng cùng với số lượng du khách Trung Quốc đến Las Vegas và Los Angeles. Chính những người Trung Quốc giàu có không được tiêu tiền trong nước, đã giúp nước Mỹ lần đầu tiên vượt Trung Quốc trong những năm gần đây về tăng trưởng phân khúc thị trường hàng “độc”. Rất nhiều chủ nhân mới của căn hộ trong các tòa nhà chọc trời ở Manhattan và San Francisco ngày nay là những gương mặt từ Trung Quốc.