Trung Quốc chật vật ứng phó nạn đào trộm mộ cổ

ANTĐ - 12 đối tượng ở tỉnh Tứ Xuyên vừa bị bắt giữ vì tội đánh cắp cổ vật từ một ngôi mộ là di tích văn hóa cấp huyện, có niên đại từ đời nhà Tống (năm 960-1279), thu lời phi pháp gần 1 triệu NDT (tương đương 161.000 USD). Đây chỉ là vụ mới nhất khi nạn đào trộm mộ đánh cắp cổ vật đang hoành hành tại Trung Quốc. 
Trung Quốc chật vật ứng phó nạn đào trộm mộ cổ  ảnh 1

Miếng ngọc hình rồng cuộn được thu hồi từ một cuộc đào trộm mộ đầu năm nay ở tỉnh Liêu Ninh

Trộm táo tợn, có tổ chức

 Theo cảnh sát thị trấn Tư Dương (tỉnh Tứ Xuyên), nhóm đối tượng mới bị bắt từng gây án hàng chục lần trên địa bàn. Những di vật bị đánh cắp từ ngôi mộ thời Tống gồm có 2 cánh cửa được chạm khắc tinh xảo cùng nhiều đồ tùy táng có giá trị khác, báo Đô thị Hoa Tây đưa tin ngày 2-8. Trong số nghi phạm có một người sưu tập đồ cổ họ Phó. Đối tượng này cho biết, anh ta giữ lại một số hiện vật có giá trị nhất cho cửa hàng của mình, phần còn lại thì “sang tay” cho những đầu nậu khác.

Một số vụ đào trộm cổ vật khác gần đây cũng thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, ngôi mộ của Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) - một võ quan đời nhà Thanh, người lập một số chiến công trong cuộc chiến tranh Pháp - Thanh (1884-1885), đã bị những kẻ đào trộm khoắng sạch cổ vật tùy táng. Ngôi mộ này tọa lạc ở khu vực miền núi của thành phố Khâm Châu, thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Nơi đây từng được chính quyền địa phương lên phương án bảo vệ vào năm 2001.

Trước đó, cách đây 3 năm, bọn tội phạm đã cuỗm đi 3 tác phẩm điêu khắc bằng đá trong lăng mộ của Tĩnh Giang Vương - một phiên vương (vua vùng đất thuộc địa) của tỉnh Quảng Tây, được phong tước vào thời nhà Minh (năm 1368-1644). Thậm chí, một bức tượng chiến binh trong lăng mộ này còn bị chặt đầu 2 ngày sau khi xảy ra vụ trộm.

“Những kẻ trộm mộ đã đào bới mọi nơi có thể, nhằm mục đích tìm thấy cổ vật quý được chôn cất theo người mất” - ông Tô Đông, người phụ trách Bảo tàng Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây cho biết và nói thêm, ngôi mộ của ông Lưu Vĩnh Phúc đã nhiều lần bị đào trộm kể từ những năm 1990.

Nhiều lỗ hổng, thiếu giải pháp

Theo ông Lương Hiểu, một chuyên gia về bảo vệ di sản của Trung Quốc, tình trạng đào trộm mộ cổ gia tăng ngoài nguyên nhân siêu lợi nhuận đối với giới tội phạm còn do nhu cầu của những người thích sưu tầm đồ cổ. Ông Lương Hiểu cho rằng, việc phổ biến các cuốn tiểu thuyết và bộ phim liên quan tới đề tài đào trộm mộ cổ, ví dụ như cuốn tiểu thuyết “Bút ký của những kẻ đào trộm mộ”... cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Giới chức Trung Quốc đã tăng cường đấu tranh với các nhóm tội phạm chuyên đào trộm cổ vật, nhưng nỗ lực của họ chưa đem lại kết quả. Mạc Trí Đông, một cán bộ thuộc Phòng quản lý di tích văn hóa tỉnh Quảng Tây cho biết, các ngôi mộ cổ và di tích lịch sử thường nằm ở khu vực hoang vu nên việc giám sát, bảo vệ rất khó khăn. “Do thiếu nguồn điện và cơ sở hạ tầng nghèo nàn, việc lắp đặt các camera theo dõi ở các khu di tích đó không dễ, khi xảy ra trộm cắp, rất khó để truy tìm các nghi phạm” - ông Mạc nói.

 Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Tây, 17 trong số 66 điểm di tích lịch sử được bảo vệ ở cấp quốc gia đều tọa lạc trong vùng hẻo lánh, trong khi hầu hết 355 điểm di tích khác thuộc quyền quản lý của chính quyền cấp cơ sở nằm ở những nơi xa xôi. Cùng với đó là tình trạng thiếu hụt nhân sự. “Thử tưởng tượng, với 4 cán bộ ban quản lý di tích cấp tỉnh, việc giám sát một vùng rộng lớn sẽ khó khăn thế nào”.

Ông Chu Khả Đạt, một chuyên gia thuộc Học viện Khoa học xã hội Quảng Tây cho rằng, một mặt cần nâng cao nhận thức của công chúng đối với nạn đào trộm mộ, mặt khác cơ quan chức năng phải cung cấp thêm kinh phí, thiết bị giám sát, đội ngũ nhân viên cho công tác bảo tồn di tích cũng như phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn buôn lậu cổ vật. Các nhà khoa học đang kêu gọi lập một cơ sở dữ liệu quốc gia để mã hóa mỗi cổ vật, khi đó, chỉ cần cổ vật được tuồn ra thị trường giao dịch là có thể xác minh nguồn cung cấp và trừng trị những kẻ vi phạm.