Trung Quốc chấn động vụ chồng đánh chết vợ ngay giữa phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Đoạn video có cảnh một người đàn ông ở thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, đánh vợ đến chết khi người xung quanh chỉ đứng nhìn mà không làm gì đã dấy lên sự phẫn nộ và đặt ra câu hỏi mới về bạo lực gia đình.

Truyền thông nước này cho hay, ông chồng trút giận lên người vợ xảy ra sau khi cặp vợ chồng này vô tình đâm vào một chiếc xe khi đang cùng đi trên chiếc xe máy điện. Cảnh sát cho biết, sau cái chết của người vợ, nghi phạm đã bị bắt giữ.

Hình ảnh về vụ hành hung xuất hiện trên mạng xã hội và các hãng tin của Trung Quốc hôm 1-11 ngay lập tức đã được chia sẻ hàng triệu lần

Hình ảnh về vụ hành hung xuất hiện trên mạng xã hội và các hãng tin của Trung Quốc hôm 1-11 ngay lập tức đã được chia sẻ hàng triệu lần

Trong đoạn phim, khá nhiều người xung quanh đứng theo dõi gã đàn ông cầm ghế phang tới tấp vào đầu vợ mình. Vụ việc thu hút hàng chục nghìn bình luận, với hầu hết chỉ trích sự thờ ơ của những người đứng ngoài cuộc cùng thái độ dửng dưng với bạo lực gia đình. “Anh ta không cầm súng máy, tại sao không ai bước tới can ngăn”, một bình luận được chia sẻ rộng rãi.

Năm 2015, Trung Quốc mới đưa ra một đạo luật về hình sự hóa bạo lực gia đình. Thời điểm đó, thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ toàn Trung Quốc cho thấy, cứ 4 phụ nữ nước này thì có 1 người chịu bạo lực trong hôn nhân.

Hình ảnh bạo lực khiến cho người xem không thể không phẫn nộ

Sự phẫn nộ trong dư luận gợi nhớ đến một vụ việc được lan truyền trên mạng năm 2011, đó là hình ảnh một đứa trẻ mới biết đi ở thành phố Phật Sơn bị một chiếc xe tông 2 lần và bị hàng chục người qua đường phớt lờ.

Cư dân mạng xã hội Trung Quốc chỉ ra rằng, mọi người ở đây quan niệm ai đó đứng ra giúp đỡ trong những tình huống như vậy có thể phải chịu chi phí khi đưa nạn nhân vào viện hoặc mắc bẫy lừa đảo, nên không khuyến khích can thiệp. Đến năm 2017, nước này ra thêm quy định loại bỏ trách nhiệm dân sự đối với những người tham gia giúp đỡ nạn nhân các vụ bạo lực hoặc tai nạn.