Trung Quốc "bơm" 230 tỷ USD "cấp cứu" kinh tế

ANTĐ - Cùng với việc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, Trung Quốc đã  “bơm” 230  tỷ USD trong 2 ngày liên tiếp để “cấp cứu” nền kinh tế có nguy cơ rơi vào trì trệ sau gần 3 thập kỷ liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Trung Quốc "bơm" 230 tỷ USD "cấp cứu" kinh tế ảnh 1

Ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm gói kích cầu khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 19-8 đã “bơm” thêm 110 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 17 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua các khoản cho vay trung hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. PBoC cho biết toàn bộ số tiền đã được rót cho 14 tổ chức tài chính, với thời hạn sử dụng 6 tháng và lãi suất chỉ 3,35%, nhằm duy trì khả năng thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến khích các ngân hàng sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các mắt xích yếu của nền kinh tế.

Trước đó chỉ 1 ngày, PBoC cũng đã lần đầu tiên “bơm” 120 tỷ NDT (18 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua các hoạt động thị trường mở. Đây là lần bơm tiền theo hình thức mua lại các hợp đồng đáo hạn lớn nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 1-2014. 

Việc tung thêm 230 tỷ NDT (35 tỷ USD) trong 2 ngày liên tiếp vào nền kinh tế diễn ra ngay sau khi PBoC ngày 18-8 tuyên bố đã chuyển cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc 48 tỷ USD và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 45 tỷ USD lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối hàng nghìn tỷ USD của nước này. Động thái “bơm” tiền nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao cho thấy PBoC đang cố gắng đầu tư tài chính vào các lĩnh vực kinh tế thiết thực, cụ thể như xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trước khi “bơm” gần 100 tỷ USD mà thực chất được xem như một gói kích thích kinh tế, Trung Quốc cũng đã có biện pháp gây sốc khác là phá giá mạnh đồng NDT tới 4,6% trong 3 ngày liên tiếp từ 11 đến 13-8 vừa qua nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, nhất là xuất khẩu. Việc phải tung cùng lúc 2 “liều thuốc” cấp cứu này đã cho thấy sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề rất trầm trọng.

Trong dự báo mới nhất đưa ra đầu tháng 8 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay có thể chỉ đạt 6,8%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Không chỉ tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu tháng  7-2015 cũng giảm 8,3%, chỉ số giá sản xuất (PMI) trong tháng 7 chạm mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Trước đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rơi vào những đợt lao dốc không phanh với tâm lý hoảng loạn bao trùm. Điều đáng nói là tất cả các vấn đề trên của “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường dù nước này đã áp dụng hàng loạt biện pháp khắc phục như nhiều lần hạ lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc để ngân hàng cho vay nhiều tiền hơn… nhưng đều không mang lại hiệu quả. 

Bởi thế, không ít chuyên gia kinh tế còn đang hoài nghi về các biện pháp mới nhất  của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế đang sa sút. Họ cho rằng tăng trưởng quá nóng trong thời gian dài hơn 20 năm đã khỏa lấp nhiều vấn đề kinh tế vốn đã tích tụ từ lâu, nay chúng mới bung ra khi cơ thể kinh tế sa sút, giảm sức đề kháng, vì thế phá giá đồng NDT hay “bơm” tiền để kích thích kinh tế cũng chưa chắc đã giúp vực dậy kinh tế Trung Quốc trong một sớm một chiều.