Trung Quốc âm mưu cưỡng chiếm biển Đông

ANTĐ - Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Trung Quốc nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa, tạo sự đã rồi để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm ở biển Đông. 
Bản tin phát thanh ngày 12-6-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngày 11-6, số lượng tàu cá của Trung Quốc đã giảm từ 43 (ngày 10-6) xuống còn 35 tàu, nhưng lại tăng thêm các tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo. Cụ thể, Trung Quốc duy trì 39 tàu hải cảnh (tăng 1 chiếc), 14 tàu vận tải (tăng 1 chiếc), 20 tàu kéo (tăng 1 chiếc) và 6 tàu quân sự bố trí bảo vệ giàn khoan theo ba hướng đông, tây và nam của giàn khoan, mỗi hướng 2 chiếc. 
Trong ngày, 35 tàu cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh đã tiếp tục vây ép, ngăn cản tàu cá của ngư dân ta khi đang khai thác ở ngư trường truyền thống ra xa khu vực giàn khoan 38-40 hải lý. 

Một tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam

 
Tại khu vực giàn khoan, các tàu Trung Quốc tiếp tục tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu kiểm ngư ra xa khu vực giàn khoan.

Tuy nhiên, các tàu kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường giàn khoan, đồng thời tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao trên khu vực cách giàn khoan 7-10 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cũng trong ngày 11-6, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc một máy bay quân sự của Bắc Kinh tiếp cận một cách “bất thường” một máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đăng tải hình ảnh được xác định là một trong hai chiếc máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc tiếp cận rất gần với máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Không có thành viên nào của phi hành đoàn bị thương trong vụ  xâm phạm không phận này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa phản ứng gì về bình luận nói trên.

Trước đó ngày 24-5, Tokyo cũng đã ra thông báo về một vụ việc tương tự liên quan tới các máy bay quân sự của Trung Quốc và máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Trung Quốc âm mưu cưỡng chiếm biển Đông ảnh 2
Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay mà Trung Quốc dự định xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Yahoo! Philippines


Còn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Philippines đã tố cáo Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường băng trên đá Gạc Ma thuộc Trường Sa đồng thời có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng tại đá Ga Ven và đá Châu Viên. Một số chuyên gia Trung Quốc như Kim Xán Vinh, thuộc đại học Nhân Dân (Bắc Kinh), hay Lý Kiệt, từ Viện Nghiên cứu hải quân, còn trắng trợn tuyên bố về kế hoạch xây dựng mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, có đường băng, cảng biển, căn cứ không quân và hải quân.

Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Trung Quốc nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa, tạo sự đã rồi để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm ở biển Đông. 

Bên cạnh đó, bằng cách dựng nên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên, Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình. “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực”, Bloomberg dẫn lời Richard Javad Heydarian, giảng viên Đại học Ateneo de Manila kiêm cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines, nhận định.

Còn theo Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) Rory Medcalf, nếu đạt được ý đồ trong việc xây dựng ở Trường Sa thì Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp này như một hình mẫu để lấn tới tại các khu vực tranh chấp khác.