Trung Đông sẽ gánh hậu quả thê thảm từ lính đánh thuê “thất nghiệp”

ANTĐ - Thỏa thuận ngừng bắn ở Homs được công bố trước thềm vòng đàm phán Syria tại Geneva. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức thỏa thuận này đã bị vi phạm, khi một đoàn xe nhân đạo đưa thực phẩm và thuốc men tới thành phố bị tấn công.

Người dân địa phương chạy thoát khỏi các tay súng bao vây Homs nói rằng, trong thành phố có vài băng nhóm và tổ chức vũ trang đang hoạt động. Trong đó, có rất nhiều chiến binh là người nước ngoài. Còn Ủy ban quốc tế Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Syria, bày tỏ thái độ hết sức quan ngại về vụ nổ súng vào đoàn xe vận chuyển viện trợ nhân đạo tại thành phố Homs.

Theo quan sát viên Evgeni Yermolaev, sự hiện diện của lính đánh thuê trong hàng ngũ phe đối lập sẽ làm giảm mạnh cơ hội đạt thỏa thuận ngừng bắn thực sự ở đất nước. Ông nói: “Khó có thể nêu chính xác con số lính đánh thuê nước ngoài ở Syria. Tuy nhiên, Trung tâm quốc tế Nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan nhận định, có khoảng 11.000 lính đánh thuê đến từ 74 quốc gia đang cầm súng ở Syria”.

Theo các chuyên gia, mức độ tham gia của chiến binh nước ngoài trong cuộc xung đột Syria, cao hơn nhiều so với các chiến trường Afghanistan, Iraq, Libya. Chính nó đã dập tắt triển vọng đã vốn khá mơ hồ của quá trình chuyển biến sang một giải pháp chính trị của cuộc xung đột. Trên lý thuyết, có thể đạt cuộc đối thoại hiệu quả giữa nội bộ những người Syria. Trong khi đó, về nguyên tắc không thể có sự thương lượng với các tay súng thánh chiến người nước ngoài.

Bởi vì, thứ nhất là những tay súng đánh thuê không có một đại diện hợp pháp, họ được tuyển dụng công khai bởi các tổ chức khủng bố, hoặc một số quỹ mập mờ do những nhân vật ẩn danh hỗ trợ. Thứ hai, lính đánh thuê - những chiến binh thánh chiến, không có thói quen kéo dài cuộc chiến để tìm kiếm thỏa hiệp, họ đến Syria không phải vì mục đích như vậy.

Theo nhà lãnh đạo phe đối lập Qadri Jamil, Syria hiện có hàng chục ngàn lính đánh thuê nước ngoài. Những kẻ vũ trang cực đoan này đã trở thành yếu tố có khả năng phá vỡ bất kỳ thỏa thuận chính trị nào về Syria, mà khó khăn lắm mới đạt được. Do đó, nếu muốn đi đến một giải pháp chính trị, đầu tiên người Syria phải có biện pháp cô lập những chiến binh thánh chiến người nước ngoài.

Những “người hàng xóm tốt bụng” của Syria bắt đầu nhận ra rủi ro mà việc biến đất nước này thành một điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan sẽ mang lại cho họ. Saudi Arabia - quốc gia chủ chốt mong muốn lật đổ chính phủ hiện tại ở Syria - đã ban hành sắc lệnh bắt giam từ 3 đến 20 năm tù, đối với công dân của họ chiến đấu ở nước ngoài. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những quỹ tuyển mộ chiến binh đi Syria cũng đang bị cảnh sát theo dõi chặt chẽ.

Chuyên gia Victor Nadein-Raevsky phân tích: “Sự hiện diện của nhóm chiến binh thánh chiến sẽ mang theo mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Họ không biết gì khác ngoài bắn súng, giật ngòi nổ và giết người. Trở về từ Syria và không có việc gì để làm, họ sẽ tìm mọi cách vận dụng những kỹ năng học được. Vì hầu hết lính đánh thuê là người từ các nước trong khu vực, những quốc gia này có khả năng hứng chịu đòn giáng vào chính mình”.

Do đó, biện pháp ngăn chặn lính đánh thuê sang Syria của các nước láng giềng cũng là điều dễ hiểu và hợp lý. Nhưng nhẽ ra họ phải làm điều này sớm hơn nhiều, vì giờ đã muộn. Hiện nay, người ta lại quay sang tìm cách ngăn chặn lính đánh thuê trở về nước, với hy vọng những đối tượng này sẽ tìm kiếm nơi trú ẩn khác. Biện pháp đó không có tác dụng gì trong giải quyết vấn đề xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan trong khu vực nói chung.

Hơn nữa, một số lượng lớn các phần tử cực đoan đã trải qua "trường đào tạo chiến binh" ở Syria trong ba năm qua và không ít kẻ đã về nước. Vì thế, có thể dự đoán sự gia tăng mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông và vùng Vịnh trong thời gian tới là điều hiển nhiên. Người dân và những ai suốt nhiều năm đã làm ngơ với hoạt động của mạng lưới thánh chiến quốc tế, sẽ chịu trách nhiệm về những rủi ro này.