Trung bộ mưa lớn kéo dài nhiều ngày, vùng cao Bắc Trà My bị cô lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do mưa lớn đã bị ngập, cô lập. Học sinh toàn tỉnh được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Quốc lộ 1 ngập sâu nửa mét

Những ngày qua, các tỉnh Trung bộ tiếp tục có mưa lớn, nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mưa lớn từ đêm qua đến sáng nay, 23/10, đã khiến quốc lộ 1 qua Quảng Nam nhiều đoạn bị ngập sâu đến nửa mét, gây khó khăn cho phương tiện qua lại.

Bên cạnh đó, tại vùng núi Trà My nước lũ các sông, suối dâng lên nhanh. Lúc 11h trưa nay, toàn bộ các tuyến giao thông tại huyện Bắc Trà My đều bị chia cắt do các cầu ngầm bị nước lũ băng qua và ngập sâu.

Ngầm Sông Trường (quốc lộ 24C, qua đại phận xã Trà Sơn) bị ngập sâu 1,6m; ngầm sông Nước Oa (quốc lộ 24C, qua đại phận xã Trà Tân) cũng ngập sâu hơn 1m, cô lập hoàn toàn các xã vùng cao huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My.

Hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục được điều tiết xả lũ qua các cửa xả tràn tại đập chính với lưu lượng 350 - 2.000m3/s. Hai ngầm này tiếp tục bị ngập sâu hơn nước dâng ngược từ việc xả lũ tại khu vực giao thủy giữa sông Tranh, sông Trường và sông Nước Oa.

Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam nhiều đoạn ngập sâu cả nửa mét, gây khó khăn cho phương tiện qua lại

Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam nhiều đoạn ngập sâu cả nửa mét, gây khó khăn cho phương tiện qua lại

Huyện Bắc Trà My đã bố trí các lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện đang trực 24/24, triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặt biển cảnh báo, gác chắn, chốt chặn không để người và phương tiện qua lại tại các điểm ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 25/10 các tỉnh Trung bộ tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, khu đô thị.

Sáng 23/10, tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.

Thêm vào đó, trong tuần sau, khu vực này tiếp tục có một đợt mưa lớn. Cụ thể, từ khoảng ngày 27-29/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở Trung bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to tiếp theo.

Trong 10 ngày tới, các sông khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ khả năng xuất hiện một đợt lũ. Các tỉnh Trung bộ đối mặt với nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, khu đô thị.

Hướng dẫn người dân dự trữ lương thực phòng mưa lớn kéo dài

Sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung bộ.

Công điện nêu rõ, những ngày vừa qua, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm một số người bị chết, mất tích.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến 25/10/2021 có thể sẽ xảy ra đợt mưa lớn, diện rộng tại khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên, đặc biệt tại khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, tổng lượng mưa có thể đạt 200-380mm, có nơi trên 430mm.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020. Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-9 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài...