Trung bình một người cao tuổi mắc 6,9 bệnh, áp lực khủng khiếp từ già hóa dân số

ANTD.VN - Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo đến 2050, khoảng 25% dân số cả nước là người trên 60 tuổi. 

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật, nhất là khi người cao tuổi Việt Nam “thọ nhưng không khỏe”. Để ứng phó với thực trạng trên, ngành y tế Hà Nội đang nỗ lực để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện…

Hầu hết người bệnh cao tuổi mắc đa bệnh lý

Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10-2019), cuối tuần qua, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – cơ sở được giao nhiệm vụ đầu ngành lão khoa của ngành y tế Thủ đô đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, phát thuốc, tặng quà… cho hàng nghìn người bệnh cao tuổi trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).

Có mặt tại sự kiện này, chúng tôi được biết, khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe lão khoa là hầu hết người bệnh cao tuổi mắc đa bệnh lý như huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Những người bệnh cao tuổi vào viện điều trị thường mắc ít nhất 3 bệnh trở lên. Cũng có rất nhiều người bệnh có những hội chứng về lão khoa đặc biệt như sa sút trí tuệ, suy dinh dưỡng, bệnh alzheimer, bệnh parkinson…

Một nghiên cứu được Bệnh viện Lão khoa Trung ương thực hiện cách đây chưa lâu với 610 người trên 80 tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính…

ThS. Nguyễn Thị Phương Thùy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ, mô hình bệnh tật lão khoa có những đặc thù riêng như vậy nên muốn quản lý điều trị tốt đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa đồng bộ. Các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và cần có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị, nhất là sử dụng thuốc.

Thế nhưng ngay tại Hà Nội, ngoài Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thành phố vẫn chưa có Bệnh viện Lão khoa riêng. Bệnh viện Đống Đa là đầu ngành lão khoa của thành phố nhưng thực tế Khoa Lão khoa của bệnh viện này cũng mới được thành lập hơn 3 năm nay, có 40 giường bệnh, chủ yếu ưu tiên tiếp nhận điều trị nội trú cho những người bệnh từ 75 tuổi trở lên…

Buổi sinh hoạt thường niên của câu lạc bộ bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Đống Đa thu hút hàng trăm người tham dự

Thay đổi nhận thức để đối phó với già hóa dân số

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% tổng dân số, nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Tổng cục Thống kê dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Để ứng phó với già hóa dân số, tháng 4-2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025. Một chỉ tiêu quan trọng mà đề án đề ra là đến 2025 có 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa Nguyễn Thị Phương Thùy cho biết, với vai trò được giao là đầu ngành lão khoa của thành phố, vừa qua bệnh viện đã thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đi khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của các đơn vị y y tế trên toàn thành phố để tập hợp, tham mưu cho thành phố trong lĩnh vực này.

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, việc triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các bệnh viện hạng 2, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã của thành phố đã tương đối tốt. Song đến thời điểm này, mới chí có một số ít bệnh viện thành lập được khoa lão, có đơn nguyên lão khoa, còn lại đa phần mới bố trí dành riêng một số giường bệnh lão khoa.

Song điều đáng mừng nhất là hiện nay, nhận thức của chính những người cao tuổi về chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe. Riêng hai câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường, huyết áp mà Bệnh viện Đống Đa tổ chức, quản lý hiện có khoảng 5.000 người bệnh cao tuổi tham gia sinh hoạt đều đặn.

“Để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn, cần kết hợp rất nhiều giải pháp, từ truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến cải thiện chất lượng mạng lưới chăm sóc sức khỏe của thành phố, không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện mà còn phải quản lý người bệnh trong cộng đồng…” – bà Thùy cho biết.