Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức cuộc trưng bày các hiện vật, di vật có chủ đề: “Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê” tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thanh Hóa.
Trưng bày giới thiệu 36 hiện vật tiêu biểu của cả hai khu di tích cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan, với 3 chủ đề: Giới thiệu chung về hai khu di tích; Lam Kinh thời Lê; Đông Kinh thời Lê.
Điểm nhấn trong trưng bày này là lần đầu tiên những di vật, hiện vật khai quật được tại hai di tích cùng những tài liệu lịch sử liên quan được đặt cạnh nhau góp phần làm nổi bật thêm những thành tựu của Đại Việt dưới thời Lê sơ, đồng thời khẳng định được mối quan hệ mật thiết giữa hai địa danh Đông Đô - Đông Kinh và Tây Đô - Tây Kinh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Các đại biểu tham quan triển lãm |
Phát biểu tại khai mạc trưng bày, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi cho biết, hoạt động được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 10 năm di tích Lam Kinh được thủ tướng Chính Phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt và kỷ niệm 595 năm thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1427 - 2022) kết thúc 10 năm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của quân dân Đại Việt.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại do người anh hùng Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương phát động và lãnh đạo tại vùng đất Lam Sơn (Lam Kinh) trải qua những tháng ngày trường kỳ kháng chiến, “nếm mật nằm gai” đã giành được những thắng lợi to lớn.
Trong 10 năm kháng chiến gian khổ (1418 - 1427), cuối năm 1427, những trận chiến đấu cuối cùng diễn ra tại Đông Quan - Đông Kinh - nơi nghĩa quân Lam Sơn đã vây hãm khiến chủ tướng Vương Thông nhà Minh phải cúi đầu xin cầu hòa.
Cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước sạch bóng quân thù. Đông Kinh vang khúc khải hoàn của đoàn quân Lam Sơn, trở thành biểu tượng của lòng tự hào dân tộc khi cờ nghĩa rợp bay khắp kinh thành.
Sau khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, ngày 15/4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), lấy niên hiệu Thuận Thiên, xưng Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Đông Kinh trở về với vị trí thiêng liêng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước.
Một Đông Kinh phồn hoa đô hội chính là minh chứng cho sự huy hoàng của đất nước dưới thời Lê sơ. Còn Lam Sơn - Lam Kinh trở thành nơi an táng, thờ cúng tổ tiên, Hoàng đế, Hoàng hậu thời Lê sơ và là nơi gắn liền với quá trình dựng nghiệp đế vương của vương triều nhà Lê.
Hiện vật giới thiệu tại trưng bày |
Từ Lam Kinh quê hương của hoàng tộc nhà Lê đến Đông Kinh - Kinh đô của vương triều nhà Lê sau hơn 20 năm quốc gia Đại Việt nằm dưới ách đô hộ của nhà Minh là sự tồn tại song song tạo thành một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lam Kinh là vùng đất lập nghiệp, phất cờ khởi nghĩa trong những buổi sơ khai của Lê Thái Tổ, còn Đông Kinh là nơi đăng quang, định đô lập quốc, củng cố địa vị vương triều và đánh dấu giai đoạn thịnh trị của nhà Lê sơ. Mối quan hệ giữa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục lớn nhất đất nước với trung tâm tín ngưỡng, tôn vinh truyền thống đạo lý, thờ cúng tổ tiên, hướng về quê cha đất tổ là mối quan hệ mang màu sắc thần bí trong huyền tích tại hai mảnh đất thiêng liêng này.
Hiện nay, cả hai địa danh trên đều trở thành những điểm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh, bảo vệ dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Lam Kinh đã được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào năm 2012. Tại Đông Kinh xưa (Hà Nội ngày nay), Cấm thành và Hoàng thành Thăng Long thời Lê là một bộ phận quan trọng của Di sản Văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Trưng bày “Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê” nhằm làm sáng rõ mối liên hệ giữa Đông Kinh và Lam Kinh từ lịch sử đến hiện tại. Trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 13 - 30/9/2022, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh đó, trưng bày có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website:trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.