Trung Á trên bàn cờ lớn

ANTĐ - Không nóng như “rốn dầu” Trung Đông song Trung Á cũng đang bị giằng xé, chi phối bởi lợi ích của nhiều cường quốc hàng đầu trên thế giới.

Trung Quốc đầu tư xây dựng ống dẫn khí đốt từ các nước Trung Á tới khu tự trị Tân Cương

Ngọn lửa giao tranh bùng lên dữ dội ở Iraq sau khi Mỹ rút quân khiến các quốc gia Trung Á cùng các cường quốc liên quan không khỏi lo ngại trước viễn cảnh tương tự diễn ra ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi đất nước Nam Á này vào cuối năm nay. Những gì diễn ra ở Afghanistan đang ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia Trung Á láng giềng gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.

Nếu như sự ra đi của quân Mỹ là cơ hội để Nhà nước Hồi giáo (IS, trước đây là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông - ISIL) trỗi dậy tại Iraq thì việc Mỹ rút quân chắc chắn sẽ “mở đường” cho lực lượng Taliban vùng lên, thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều. So với IS, Taliban có tiềm lực, thực lực và bám rễ tại Afghanistan mạnh hơn nhiều trong khi lực lượng chính phủ Kabul chỉ được dựng lên sau cuộc chiến chống khủng bố giống như chính quyền ở Iraq.

Viễn cảnh Taliban hoành hành tại Afghanistan khiến các quốc gia Trung Á cùng các cường quốc có lợi ích liên quan, đặc biệt là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đứng ngồi không yên trước mối họa khủng bố. Bên cạnh đó, Taliban trỗi dậy ở Afghanistan còn khiến tất cả phải lo lắng về sự bùng phát của việc sản xuất và buôn bán ma túy của quốc gia Nam Á.

Trong khi đó, dù không thể so bì với Trung Đông về cả trữ lượng dầu mỏ và vị trí chiến lược nhưng Trung Á, nơi có “con đường tơ lụa” nổi tiếng cũng rất quan trọng với các cường quốc. Cứ nhìn vào Kazakhstan cũng có thể hiểu vì sao Trung Á lại thu hút sự quan tâm của các nước lớn, nhất là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Kazakhstan không chỉ có diện tích lớn thứ 9 thế giới mà còn chứa khoảng 3% tổng trữ lượng dầu mỏ, khoảng 1,7% trữ lượng khí đốt trên thế giới và cũng là nước sản xuất urani lớn nhất thế giới. Đất nước này cùng các quốc gia Trung Á láng giềng có thể cung cấp hàng chục tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho các nước ở Đông Á và Nam Á.

Hiện nay, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cùng các nước Trung Á đầu tư xây dựng 3 tuyến đường ống khí đốt dài khoảng 2.000 km từ điểm đầu tại biên giới Turkmenistan-Uzbekistan, chạy qua miền Trung Uzbekistan và miền Nam Kazakhstan trước khi vào Khu tự trị Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc, để cung cấp tới 55 tỷ m3 khí đốt/năm. Cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ đang bàn thảo để đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI nối các nước Turkmenistan-Afghanistan- Pakistan-Ấn Độ. 

Nga và Trung Quốc hiện đang có lợi thế hơn các cường quốc khác trong việc gia tăng ảnh hưởng và lợi ích tại Trung Á do có cơ chế hợp tác Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan) thành lập năm 2001 song Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và nhất là Mỹ cũng đã hoặc đang xúc tiến ký các chiến lược hợp tác dài hạn 5-10 năm.