Trục lợi từ "sát thủ thầm lặng"

ANTD.VN - Dù bị cấm tại thị trường các nước phát triển song Tập đoàn Syngenta vẫn tìm mọi cách để xuất khẩu thuốc trừ sâu độc hại được xem như là “sát thủ thầm lặng” sang các nước đang phát triển trên thế giới.

Trục lợi từ "sát thủ thầm lặng" ảnh 1Bất chấp bị cấm tại châu Âu nhưng Tập đoàn Syngenta vẫn xuất khẩu thuốc trừ sâu độc hại sang nhiều nước đang phát triển trên thế giới

Tổ chức phi chính phủ Public Eye trong báo cáo công bố ngày 31-5 cho biết, trong thời gian từ năm 2012 đến 2016, Tập đoàn hóa chất Syngenta của Thụy Sĩ đã xuất khẩu các chất diệt cỏ cực độc có hại cho sức khỏe con người và môi trường như paraquat và antrazine, vốn bị cấm tại  Thụy Sĩ và châu Âu, sang nhiều nước đang phát triển. Điểm đến chủ yếu của những hóa chất độc hại do Syngenta sản xuất là Argentina, Brazil, Cameroon, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Peru và Thái Lan.

Báo cáo của Public Eye khẳng định, Tập đoàn Syngenta đã tiến hành nhiều chiến dịch vận động hành lang rầm rộ ở các nước đang phát triển nhằm tiếp tục bán 2 loại thuốc trừ sâu vô cùng độc hại. Chuyên gia Laurent Gaberell của Public Eye chỉ rõ, đó là Paraquat và Atrazine - 2 trong số những chất trừ sâu độc hại nhất trên thế giới hiện nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, loại thuốc trừ sâu Paraquat đã gây ra hàng nghìn ca nhiễm độc cấp tính mỗi năm trên thế giới và là nguyên nhân của nhiều bệnh mãn tính, trong đó có bệnh Parkinson (bệnh liệt rung). Trong khi đó, Atrazine là chất gây rối loạn tuyến nội tiết, ảnh hưởng tới hệ sinh dục và căn nguyên gây ra nhiều bệnh ung thư. 

Chính vì thế, các loại mang danh thuốc nhưng lại chính là “sát thủ thầm lặng” như Paraquat và Atrazine từ lâu đã bị cấm bán tại Thụy Sĩ và cũng như khu vực châu Âu. Tuy nhiên, phớt lờ điều này, Tập đoàn Syngenta vẫn triển khai các chiến dịch vận động hành lang và khuyến mãi rầm rộ tại các nước đang phát triển để tiếp tục bán 2 loại thuốc trừ sâu độc hại này nhằm hưởng lợi.

Điều đáng nói là việc xuất khẩu các loại thuốc trừ sâu độc hại của Tập đoàn Syngenta lại được luật pháp của Thụy Sĩ cho phép. Tuy nhiên, theo ông Laurent Gaberell, về đạo đức kinh doanh thì một khi sản phẩm được xem là rất nguy hại ở Thụy Sĩ thì nó cũng cần bị cấm xuất khẩu và các công ty của Thụy Sĩ như Syngenta phải có trách nhiệm bảo vệ quyền con người khi biết rõ người dân các nước khác có thể bị phơi nhiễm khi sử dụng những hóa chất độc hại này.

Dù bị cấm tại châu Âu, song việc xuất khẩu các loại thuốc trừ sâu độc hại sang các nước đang phát triển đã mang lại cho Tập đoàn Syngenta những khoản lợi nhuận khổng lồ. Hiện Syngenta gần như có vị trí độc quyền khi chiếm giữ tới 40-50% thị phần toàn cầu chỉ với 2 mặt hàng thuốc trừ sâu Paraquat và Atrazine. 

Sự trục lợi lớn từ những “sát thủ thầm lặng” của Tập đoàn Syngenta đã hấp dẫn Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) khi tập đoàn nhà nước của Trung Quốc này đang ráo riết hoàn tất việc mua lại Syngenta với cái giá khổng lồ là 43 tỷ USD. Việc Syngenta lọt vào tay một tập đoàn của Trung Quốc - quốc gia vốn khiến cả thế giới e ngại về vấn đề đạo đức kinh doanh, chất lượng hàng hóa… - càng khiến có lý do để lo lắng sự nguy hại mà những “sát thủ thầm lặng” của tập đoàn thuốc trừ sâu này cho “ra lò” trong tương lai.