Trục lợi thông tin khách đi máy bay: "Nhờn" luật hay dung túng?

ANTD.VN - Dù chỉ đặt vé máy bay trên website của các hãng hàng không nhưng khách hàng đã bị lọt lộ toàn bộ thông tin về chuyến bay, đồng thời bị dịch vụ đưa đón sân bay liên tiếp chào mời.

Bảo mật thông tin kiểu... cả làng cùng biết

Đặt xong vé máy bay đi từ Hà Nội-TP.HCM, 2 ngày trước chuyến bay, chị Đặng Hoàng Thu Trang ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội liên tiếp nhận được tin nhắn, mời chào, giới thiệu dịch vụ xe đưa đón sân bay, dù chị không có nhu cầu.

“Tôi chỉ đặt vé trên website của hãng mà không thông qua đại lý cũng như bên thứ ba nào. Nhưng chỉ ngay sau đó, thông tin chuyến đi của tôi, họ tên đều bị lộ lọt hết, tôi liên tiếp nhận được tin nhắn mời chào sử dụng dịch vụ xe đưa đón ra sân bay. Việc lộ lọt thông tin này là từ đâu, và ai sẽ chịu trách nhiệm”- chị Trang bức xúc.

Chỉ đặt vé máy bay trên website của hãng, nhưng khách liên tiếp nhận được tin nhắn, điện thoại mời chào dịch vụ xe đưa đón sân bay

Đáng nói, ngay sau khi chuyến  bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, khởi động lại chiếc điện thoại, chị Trang liên tiếp nhận được lời chào mời đi xe từ Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố.

Tình trạng lộ lọt thông tin của hành khách đi máy bay đã không còn xa lạ, nhưng đến nay, không có giải pháp để xử lý dứt điểm, khiến các cá nhân, tổ chức trục lợi từ việc này "nhờn" luật.

Cần phải nhắc lại rằng, trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có thanh tra, kết luận về việc này, đồng thời chỉ rõ các khâu sai ở đâu, bộ phận nào làm lọt lộ thông tin của hành khách để trục lợi. Thậm chí, lực lượng Công an cũng đã vào cuộc xử lý, nhưng dường như chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này ngày càng nhức nhối hơn.

Anh Nguyễn Đức Huy ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội đặt vấn đề: “Khi khách đặt vé máy bay trên website, các hãng đều cam kết bảo mật thông tin của hành khách, nhưng tại sao khách vẫn liên tiếp nhận được các cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn mời chào đi xe đến sân bay. Ai chịu trách nhiệm về việc này, tại sao ngành hàng không, Bộ GTVT cứ để tình trạng này mãi tiếp diễn, gây bức xúc cho hành khách”.

Theo phân tích, các đối tượng được phép tiếp xúc với hệ thống này là những người được đánh giá là “có nguy cơ cao” liên quan đến việc làm lộ, lọt thông tin, bao gồm nhân viên công nghệ thông tin liên quan trực tiếp đến việc quản trị hệ thống, chương trình phần mềm đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé hành khách; nhân viên phòng vé, nhân viên của các đơn vị phục vụ mặt đất…

Ngoài ra, việc lộ thông tin hành khách có thể xuất phát từ các đại lý đối với khách do đại lý đó đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé…

Phạt hành chính hoặc có thể xử lý hình sự

Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin, từ cuối năm 2014, cơ quan này đã chủ động mời Công an vào điều tra và phát hiện một số cá nhân, đại lý lấy thông tin khách hàng. Các trường hợp trên đều bị buộc thôi việc và cắt hợp đồng ngay lập tức, không bao che, dung túng.

Được biết hiện tại, Vietnam Airlines vẫn đang tiếp tục mời cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xử lý tình trạng trên. Thư khiếu nại của hành khách, số điện thoại của khách và các số điện thoại của tổng đài, lái xe dịch vụ đã gọi điện, nhắn tin chào mời khách sẽ được chuyển qua cơ quan Công an.

Cũng theo Vietnam Airlines, tới đây, hãng sẽ ký hợp tác với cơ quan Công an để có thể điều tra, xử lý thường xuyên, liên tục, lâu dài vấn đề này.

Đại diện Vietjet cũng cam kết thường xuyên phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan chức năng... nhằm đưa ra các biện pháp phù hợp để đảm bảo tuân thủ các qui định về bảo mật thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin của khách hàng trong phạm vi hệ thống khai thác và cung cấp dịch vụ do hãng kiểm soát.

Tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288, BLHS 2015.

Theo đó, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.