Trực diện với hiểm nguy

ANTĐ - Như Báo ANTĐ đã thông tin tới bạn đọc, vụ nổ kinh hoàng tại con hẻm 348 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3-TP.HCM, đã cướp đi sinh mạng của 10 người, 6 trong số đó là thành viên gia đình ông Lê Minh Phương- Giám đốc Hãng phim Lạc Việt, người chuyên phụ trách các hiệu ứng cháy nổ trên phim trường. 

Sự việc đau xót và bất ngờ, khiến làng điện ảnh Việt không khỏi bàng hoàng. Và cũng từ sự việc rất đau lòng kể trên, người ta bắt đầu nhìn lại về “nghề khói lửa”, quản lý vật liệu nổ thế nào và cả việc đảm bảo an toàn cho chính những người đang làm nghề.

Phim “Giải phóng Sài Gòn” sử dụng tới 5 tấn thuốc nổ

Chỉ an toàn khi quy trình nghiêm ngặt

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô xung quanh việc sử dụng và quản lý vật liệu nổ trên phim trường, đạo diễn Long Vân cho biết, trong quá trình thực hiện bộ phim truyện nhựa “Giải phóng Sài Gòn” đoàn làm phim phải tiêu tốn tới 5 tấn thuốc nổ. Việc sử dụng thuốc nổ buộc phải có sự cho phép của quân đội. Quá trình sử dụng như thế nào, bảo quản và vận chuyển ra sao đều phải có sự hướng dẫn kiểm soát cặn kẽ của các chuyên gia. Trong quá trình vận chuyển từ Tuyên Quang vào tới Biên Hòa - nơi đoàn làm phim “Giải phóng Sài Gòn” quay các đại cảnh về bom đạn, cũng phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt, vào đến nơi toàn bộ số thuốc nổ kể trên phải được gửi vào kho Long Bình do quân đội quản lý. Nhiều năm trước đây, ở các hãng phim Nhà nước, luôn thành lập một ban chuyên trách về các cảnh hay hiệu ứng khói lửa. Nhân sự trong ban đều phải trải qua các khóa học đặc biệt và được công binh cấp bằng. Vật liệu nổ để phục vụ làm phim đều phải được gửi trong các kho chuyên dụng của quân đội. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng cho biết, với phim chiến tranh Hãng phim truyện Việt Nam luôn có quy trình rõ ràng. Khi xây dựng dự án cho phim phải kê ra các cảnh có sử dụng thuốc nổ, khối lượng dự kiến, từ đó đề xuất lên các cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng. Đạo diễn Nguyễn  Thanh Vân khẳng định, khói lửa trong phim chiến tranh là nghề rất nguy hiểm. 

Điện ảnh đi giật lùi

Điện ảnh Việt Nam ra đời trong chiến tranh, cũng bởi vì thế đã có rất nhiều bộ phim thành công với mảng đề tài này. Phàm đã là phim chiến tranh thì chẳng xa lạ gì với các cảnh bom đạn, khói lửa. Nhưng rồi, xã hội càng phát triển thì dường như điện ảnh Việt Nam lại đi giật lùi. Giờ nhiều đạo diễn gặp phải phim chiến tranh thì xua tay rối rít không còn thiết tha bởi quá  khó nhằn. Một phần do, phim chiến tranh chỉ còn mang tính vụ việc nên các hãng phim hầu hết không có kho chứa chất nổ riêng. Ngay như Hãng phim truyện Việt Nam, từng là đơn vị đầu tiên của ngành điện ảnh có kho chứa chất nổ ở Đông Anh, kho được bố trí nằm cách xa nơi dân cư sinh sống, nhưng đến giờ chỉ còn nằm trong ký ức. Nếu bộ phim truyện nhựa nào buộc phải có cảnh khói lửa thì các đạo diễn đều phải trông cậy vào lực lượng công binh của quân đội. Với cách làm nhỏ lẻ, không có đơn vị chuyên nghiệp chuyên trách, lại không có sự rút kinh nghiệm từ phim làm trước cho đến phim làm sau nên hiệu ứng cháy nổ trong phim Việt Nam rất thấp, trong khi tai nạn lại rất cao. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Phó Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Tai nạn của gia đình anh Lê Minh Phương là một điều đau xót, và nó khiến cho những người làm khói lửa nói chung và những nhà làm phim hiện tại phải giật mình. Chắc hẳn sẽ có nhiều cuộc rút kinh nghiệm qua vụ việc này nhưng theo tôi, quan trọng là hãy tập trung việc làm hiệu ứng cháy nổ vào một hãng phim có sự quản lý của Nhà nước để có một lộ trình cấp phép và sử dụng các chất cháy nổ hiệu quả”. 

Có một thực tế, phim Việt Nam hiện tại có rất ít người được đào tạo bài bản làm khói lửa mà phần lớn làm nghề theo… kinh nghiệm cá nhân. Người phụ trách khói lửa nhiều khi chính là họa sĩ bối cảnh. Họ đi theo các đoàn làm phim mày mò tự rút kinh nghiệm và “học lỏm” là chính. Trong khi đó, các thiết bị đi kèm làm hiệu ứng khói lửa hầu như không có, các họa sĩ bối cảnh kiêm luôn phụ trách khỏi lửa cứ “tay bo”, thủ công hoàn toàn nên đối với phim chiến tranh hoặc các cảnh quay có sử dụng đến hiệu ứng của thuốc nổ, đâu đó vẫn xảy ra tai nạn phim trường. Nhưng vì lý do này kia, các nhà làm phim không mấy khi chia sẻ, hoặc là không có dịp nào để chia sẻ những nỗi thống khổ của mình. “Cách làm của chúng ta hiện nay là đào đất lên, cài quả nổ và hẹn giờ. Quả nổ sẽ thể hiện sức công phá của mình đúng giờ nhưng diễn viên thì không phải lúc nào cũng diễn chính xác và biết đến giờ giấc” - đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho biết thêm.  

Diễn viên Thế Anh kể, phim trường ở nước ngoài, người ta làm cháy thôi nhưng không có sát thương. Nhưng ở Việt Nam là làm thật, diễn viên được đem ra làm “vật thí nghiệm” cho những kíp nổ trên phim. Người diễn không được bảo hộ, cứ thế chạy băng băng trong làn khói lửa. Vậy bảo sao không có tai nạn, không có đổ máu? “Khi tham gia vào bộ phim “Đường về quê mẹ”, người ta chôn quả nổ và tôi có nhiệm vụ phải nhảy qua những hố… bom. Nhưng khi chưa kịp tới nơi thì quả nổ đã bung kíp làm phát ra những âm thanh chói tai. Tôi thấy tóc, lông mày cháy xèo xèo, mặt bỏng rát. Còn đợt tham gia bộ phim “Mối tình đầu”, tôi cũng bị một cảnh cháy nổ sợ đến… già. Người ta đã cài một kíp nổ ngay dưới bàn 2 diễn viên. Khi vừa quay lưng lại để bước đi theo đúng yêu cầu của kịch bản, tôi thấy các mảnh kính vỡ văng ra, găm đầy vào người. Chiếc áo sơ mi tôi mặc thẫm đẫm máu” - diễn viên Thế Anh nhớ lại. Và ông kết luận: “Phim chiến tranh Việt Nam thật đến 100% nên rất nguy hiểm”. 

Hà Nội cảnh giác cao với các loại vật liệu nổ

Hôm qua, 25-2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, CATP Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn. Các cấp, ngành chỉ đạo tại cơ sở và các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn cháy nổ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường tự kiểm tra về an toàn, phòng chống cháy nổ trong phạm vi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kế hoạch ứng cứu để giải quyết khi có sự cố xảy ra.