Trưa, chiều mai 19-8, bão số 3 mạnh cấp 11 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Nghệ An

ANTD.VN -Dự kiến, bão số 3 mạnh cấp 10-11, giật cấp 13-14 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nghệ An vào khoảng trưa, chiều mai 19-8. Vùng ảnh hưởng của bão rất rộng, lượng mưa được dự báo cũng rất lớn và nguy cơ ngập úng đô thị được dự báo như bão số 1.

Mưa lớn kèm gió giật mạnh

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, vào 8h sáng 18/8, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế là Dianmu) ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10-11.

Trong chiều nay 18/8, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm, dự kiến trong chiều nay bão số 3 sẽ đi vào Biển Đông khu vực Vịnh Bắc bộ. Đến 7h ngày 19-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Thanh Hóa khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 12-14.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chống bão số 3 sáng 18/8

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, bão số 3 có xu hướng mạnh lên khi vào Vịnh Bắc bộ. Dự kiến, khoảng trưa 19-8 hoặc muộn nhất là chiều cùng ngày, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nghệ An, trọng tâm là các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Khi đổ bộ vào bờ, bão số 3 được dự báo ở cấp 9 đến cấp 11, giật cấp 13-14. Sau đó bão số 3 tiếp tục di chuyển sang Thượng Lào và tan dần.

Dự kiến từ ngày mai ven biển Bắc bộ và Bắc trung bộ có gió mạnh,  nhưng gió mạnh và mưa trước bão xuất sẽ hiện từ đêm nay. Các tỉnh vùng đồng bằng bắc Bộ như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10.

Theo ông Cường, hoàn lưu của bão rất rộng, lượng mưa do bão gây ra rất lớn cho khắp vùng Đông bắc, đồng bằng bắc bộ và Thanh Hóa, và toàn bộ Trung du miền núi phía Bắc. Lượng mưa dự kiến 200-300mm, có nơi mưa cục bộ với lượng khoảng 300mm-400mm.

Thêm một tình huống nguy hiểm nữa, là bão số 3 đổ bộ vào thời điểm trưa hoặc chiều mai vào đúng thời điểm nước triều cường lên, cùng nước biển dâng sẽ gây ra sóng biển cao từ 3-5m, uy hiếp trực tiếp đến hệ thống đê xung yếu ven biển. Hơn nữa, các tỉnh miền Bắc vừa qua đã trải qua mưa vừa đến mưa to kéo dài nhiều ngày, đất đã no nước, do vậy rất dễ xảy ra lũ, sạt lở.

Đại diện Ủy ban quốc gia TKCN cho rằng, các địa phương được dự áo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 cần có đánh giá cụ thể tình hình  tại địa phương mình để có phương án phù hợp, hết sức lưu ý việc mưa lớn có thể gây vỡ đê, hồ đập. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1 vừa qua, việc di dời dân ở vùng sạt lở, vùng có nguy cơ cao còn thiếu quyết liệt.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, 13h chiều nay, tỉnh sẽ dừng hoạt động của tàu thuyền du lịch trên Vịnh và ra các đảo. Hiện còn 33 du khách ở các đảo Cô Tô, Vân Đồn, tỉnh đã chỉ đạo các đảo phải bảo đảm an toàn cho du khách trong trường hợp sóng to, thời tiết xấu không vào được bờ. 

Vùng ảnh hưởng của bão số 3 được dự báo rộng 200km

Ngoài ra, các hộ dân ở vùng sạt lở nguy hiểm thuộc TP Cẩm Phả và Hạ Long, tỉnh cũng đã có đề án di dời, đồng thời tỉnh cũng làm việc với Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam phải đặt yếu tố an toàn cho con người lên hàng đầu.

Địa phương cần chủ động

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, bão số 3 có thời gian hình thành khá dài và phát triển trên biển, hiện đang hướng thẳng vào đất liền Việt Nam. Theo dự báo phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng, tới 200km, từ Bắc Trung bộ trở ra, do đó cần hết sức lưu ý, chuẩn bị chống bão với tinh thần cao nhất.

Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 sẽ gây nguy cơ ngập úng ở đồng bằng Bắc bộ là rất lớn; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi nếu ứng phó không tốt hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, cơn bão số 3 vào Việt Nam tại thời điểm có nhiều yếu tố bất lợi như triều cường cao, các tỉnh miền Bắc suốt thời gian dài vừa qua đã có mưa liên tiếp. Do vậy, việc dự báo về sự di chuyển của bão cần kịp thời chính xác để cung cấp thông tin, thông báo kịp thời đến địa phương và người dân để chủ động ứng phó; Vùng hạ du phải quan tâm đến đê điều, vận hành hồ đập tránh gây thêm lũ.

"Các địa phương phải chủ động ứng phó với tình hình thực tế của địa phương, không phải trên Trung ương chỉ đạo ra sao thì địa phương cứ cứng nhắc làm y như vậy", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

 Liên quan đến vấn đề cho học sinh nghỉ học, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ  vào diễn biến của bão cũng như tình hình của địa phương để chủ động việc này.