Gia đình doanh nhân:

Trụ cột của nền kinh tế lớn

ANTĐ - Trên thế giới, rất nhiều tập đoàn kinh tế khổng lồ đều được hình thành và được sở hữu bởi các gia đình doanh nhân. Kinh doanh phát đạt, gia đình doanh nhân trở thành linh hồn của một nền kinh tế lớn. Nhưng ở Việt Nam, gia đình doanh nhân vẫn là mô hình mới mẻ…

Thành công nhờ tình yêu gia đình

Ông Lawrence Chong - CEO của Công ty tư vấn  Consulus cho rằng: Gia đình doanh nhân là mô hình kinh doanh có nhiều lợi thế. Một số thương hiệu lớn trên thế giới như: P&G; Toyota; Samsung; Walmart hay Hermès đều được vận hành bởi các doanh nghiệp gia đình. “Hầu hết các doanh nghiệp gia đình đều do cả vợ và chồng đều tham gia quản trị. Động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp này chính là sự tận tâm, cống hiến và lòng trung thành của mọi thành viên trong gia đình” - ông Lawrence Chong nói. 

Các chuyên gia thương mại đã nghiên cứu và chỉ ra, người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm của doanh nghiệp gia đình hơn. Do đó, đây là mô hình có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, 70% doanh nghiệp gia đình châu Á gặp vấn đề về thừa kế và thu hút nhân tài bên ngoài vào quản trị doanh nghiệp của mình.  

“Mô hình đó sẽ có quá nhiều vấn đề khi mọi thành viên đặt nhiều tình yêu vào trong đó, không tạo điều kiện cho nhân tài bên ngoài vào cộng tác, sáng tạo, có trường hợp con cái các gia đình doanh nhân đi du học nước ngoài về nhưng không có tiếng nói chung với cha mẹ trong cách quản trị doanh nghiệp. Mâu thuẫn thế hệ nảy sinh, những người lớn tuổi trong gia đình đã dành nhiều tâm huyết cho doanh nghiệp nên khi có người mới đề xuất một ý tưởng mới, ý tưởng này không dễ dàng được chấp nhận” - ông Lawrence Chong cảnh báo. 

Thực tế, theo một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu quản trị doanh nghiệp thuần túy theo kiểu gia đình sẽ khó tồn tại, chỉ chưa đến 10% theo mô hình này vững bền sau ba thế hệ. Mặc dù vậy, mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn khá phổ biến ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Tương lai rộng mở

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là đất nước chưa có truyền thống kinh doanh, lực lượng doanh nhân phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, mô hình gia đình doanh nhân vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong bối cảnh lịch sử của dân tộc và vị trí địa lý của đất nước, Việt Nam rất khó xuất hiện các “đại gia” đời nối đời kinh doanh và tích luỹ để tạo thành một thế lực kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ 16, một số thương gia lớn đã nổi tiếng về việc buôn bán như: Bà Bùi Thị Hy, người có công cùng chồng làm nên tên tuổi gốm Chu Đậu ngày nay; Thế kỷ thứ XX lại có sự xuất hiện của Lương Văn Can và Bạch Thái Bưởi. Sau cách mạng tháng 8-1945, gia đình ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã phát triển nghề buôn của cha mẹ, làm nên cơ nghiệp lớn. Gia đình này được biết đến là chủ tiệm vải Phúc Lợi tại Hà Nội chuyên bán buôn tơ, lụa, vải vóc khắp Đông Dương và là một trong những gia đình giàu nhất thời bấy giờ. Nhiều người trong gia đình họ hàng của ông bà cũng đã trở thành những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam giữa thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nổi lên một số gia đình doanh nhân khá thành đạt như: gia đình bà Tư Hường (người đứng đầu Công ty Hoàn Cầu chuyên tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, sở hữu nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng…); gia đình ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, chủ tịch HĐQT  Tienphong Bank…

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, bối cảnh kinh tế, chính trị xã hội hôm nay có thể tạo điều kiện để thế hệ doanh nhân này gây dựng truyền thống doanh nhân Việt Nam hiện đại. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nhân có được môi trường kinh doanh lâu dài và bền vững nhờ một hành lang pháp lý và nền tảng văn hoá phù hợp.