Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020)

Trong vùng dịch sáng ngời y đức

ANTD.VN - Khi huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành tâm dịch Covid-19, khi xã Sơn Lôi của huyện này bị cách ly toàn bộ trong 20 ngày, chỉ một lệnh huy động từ Sở Y tế Vĩnh Phúc được ban ra, 65 y bác sĩ từ khắp các bệnh viện đóng trên địa bàn đã lập tức lên đường đến “điểm nóng”.

Trong vùng dịch sáng ngời y đức ảnh 1Các bác sỹ sẵn sàng xông pha vào ổ dịch, không ngại vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng

Phần lớn trong số các y bác sĩ nói trên đến hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 ở tâm dịch Bình Xuyên với tinh thần tình nguyện. Trực tiếp ăn, ngủ, khám chữa bệnh cho người dân ở xã Sơn Lôi, nơi có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước (7 ca), một bác sĩ của Bệnh viện 74 Trung ương (đóng trên địa bàn thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) viết lên những lời thơ đầy xúc động: “Hoan hô bác sĩ Bảy Tư/Xung phong ra trận chẳng từ hiểm nguy/Blouse chẳng kịp cài khuy/ Lao luôn vào chặn dịch suy ngay mà...”.

Tại Hà Nội, khi thành phố quyết định cử nhân viên y tế lên Vĩnh Phúc hỗ trợ chống dịch Covid-19, 3 cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố gồm 2 bác sĩ và 1 lái xe đã tình nguyện lên đường. Hai cán bộ y tế này đều còn rất trẻ, đó là bác sĩ y học dự phòng Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1989) và bác sĩ y học dự phòng Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1993). Không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng khi xâm nhập vào ổ dịch, những cán bộ y tế, bác sĩ y học dự phòng là những con người xông pha nơi tuyến đầu trong trận chiến với dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ, mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, anh và các đồng nghiệp đều sẵn sàng đến để điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. So với bác sĩ khối điều trị, bác sĩ y học dự phòng nhìn chung có phần thiệt thòi hơn vì thu nhập thấp hơn nhiều, công lao thì lại chẳng mấy ai điểm mặt. “Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình, tuy nhiên vào những lúc đó chúng tôi đã động viên nhau vượt qua” - bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, dù lãnh đạo bệnh viện thông báo không bắt buộc nhân viên y tế lao vào tâm dịch Covid-19 mà dựa trên cơ sở tình nguyện, thế nhưng điều bất ngờ là danh sách đăng ký vào vùng dịch ngày càng dài hơn. Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nhìn danh sách tình nguyện đó ai cũng thấy ấm lòng. Ông khẳng định, các bác sĩ tình nguyện vào “tâm dịch” bởi đó là trách nhiệm với cộng đồng, tất cả vì bệnh nhân, bởi khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình là thế nào.

Thực tế, xã hội đôi khi vẫn còn những cái nhìn phiến diện với ngành y. Thậm chí khi có sự cố y khoa nào đó, ngay lập tức người ta đặt vấn đề rằng y đức xuống cấp. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - người từng trải qua những ngày chống dịch SARS cách đây 17 năm nhớ lại, 2 bác sĩ và 2 y tá Việt Nam hy sinh trong trận chiến chống SARS ngày đó không được công nhận liệt sỹ, sự hy sinh của họ nhanh chóng bị lãng quên. Còn câu chuyện “phong bì” bệnh viện dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” lại bị người ta đay đi đay lại như mũi dao cứa vào tim những người mặc blouse trắng. Nhưng vượt qua tất cả, ngay lúc này, khi dịch Covid-19 đang hoành hành, thì y đức Việt Nam vẫn thăng hoa, sự dấn thân và hy sinh của các y bác bác sỹ đã chứng minh tất cả.

Họa sĩ Phạm Lực: Tin tưởng Việt Nam sẽ dập tắt dịch Covid 19

Trong vùng dịch sáng ngời y đức ảnh 2

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi cảm thấy e ngại và có chút sợ hãi. Đi ra khỏi nhà là tôi đều đeo khẩu trang, theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng chống dịch bệnh lây lan cho bản thân và cộng đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của người dân, đặc biệt là sự tích cực của các thầy thuốc Việt Nam, cho đến nay tôi cảm thấy rất yên tâm. Những người dương tính với Covid-19 tại Việt Nam đều đã được chữa khỏi và xuất viện. Đó là một điều rất đáng mừng và tôi trân trọng sự cố gắng của đội ngũ y bác sĩ với lòng biết ơn. Nhờ họ, tôi tin tưởng dịch bệnh Covid-19 sẽ được dập tắt tại Việt Nam. Cuộc sống của tôi và nhiều người dân khác sẽ trở lại bình thường. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, cho phép tôi được gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các y bác sĩ. Chúc các thầy thuốc có một sức khỏe dồi dào, một trí tuệ sáng suốt để sớm tìm ra phương thuốc đặc hiệu chữa trị và dập tắt dịch bệnh. 

Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng: Mong các thầy thuốc sớm tìm ra biện pháp chữa trị dịch bệnh

Trong vùng dịch sáng ngời y đức ảnh 3

Dịch Covid-19 làm cho kế hoạch biểu diễn đầu năm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam bị xáo trộn. Nhiều chương trình đã phải tạm dừng để phòng chống dịch. Vì thế đời sống của các nghệ sĩ bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút đáng kể. Thời gian tạm nghỉ biểu diễn, các diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn duy trì tập luyện đều đặn để giữ phong độ ổn định. Đồng thời, liên đoàn cũng tiến hành các biện pháp phòng dịch, khử trùng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chúng tôi không biết chính xác, đến thời điểm nào, dịch bệnh sẽ được dập tắt. Do vậy, mong mỏi lớn nhất của tôi, đồng thời cũng là của các nghệ sĩ lúc này chính là dịch bệnh sớm được dập tắt. Để làm được điều đó, tôi trông chờ vào những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam Nam nói riêng và của ngành y tế nói chung. Chúc các thầy thuốc mạnh khỏe, có nhiều năng lượng, dồn tâm trí tìm ra phương thuốc chữa dịch bệnh, đưa đời sống của nhân dân trở lại nhịp sống bình thường.

Thanh Xuân (Ghi)