Trọng trách mới

ANTĐ - Sáng 31-3, tân Chủ tịch Quốc hội - người đứng đầu cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước sẽ chính thức ra mắt và tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và nhân dân cả nước, đảm đương trọng trách mới.

Kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội khóa XIII đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri với những hoạt động nâng cao chất lượng như lấy phiếu tín nhiệm, đổi mới nội dung các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động giám sát được nâng lên một bước, những vấn đề bức xúc của cử tri và người dân đã được đặt lên bàn nghị sự, mổ xẻ và truy cứu đến cùng trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy vậy, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nỗi trăn trở day dứt nhất, đó là “nợ dân, nợ nước”. Đại biểu thấy mình như “người chuyển thư”, khi cử tri kiến nghị nhiều nhưng giải quyết không được bao nhiêu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã thẳng thắn phát biểu, không thể có chuyện 100% đại biểu Quốc hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ là người đại diện của dân. Nguyên nhân là vì chưa có công cụ chuẩn xác để đánh giá vai trò, trách nhiệm người đại diện nói lên tâm tư, nguyện vọng của hàng vạn cử tri.

Có nghĩa là tiêu chuẩn để cử tri “chấm điểm” đại biểu không được đặt ra. Vì thế, những đại biểu hoạt động rất tích cực, phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo trên nghị trường cũng như trong các phiên họp tổ dường như giống với những đại biểu suốt 5 năm nhiệm kỳ, mỗi năm 2 kỳ họp, nhưng cử tri không được nghe một lời phát biểu cho ngành nghề, lĩnh vực quyền lợi của những người đã tín nhiệm, tin cậy bỏ lá phiếu cho mình. 

Nhìn thẳng những tồn tại, hạn chế của một nhiệm kỳ, rút ra những bài học kinh nghiệm chính là “di sản” hành trang rất đáng quý để lại cho các đại biểu Quốc hội khóa XIII. Mỗi đại biểu sẽ nói lên tiếng nói của gần 200.000 người dân. 500 đại biểu là tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, trong đó luôn mang theo những vấn đề “nóng”, bức xúc của gần 100 triệu người dân nước Việt. Khi mỗi đại biểu nói lên được tiếng nói đó trước Quốc hội, thì đó là tiếng nói của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Hiệu lực của Quốc hội nằm ở tổ chức và phương thức hoạt động để có thể thực hiện quyền mà pháp luật quy định, đặc biệt trong hoạt động giám sát, làm việc với các bộ, ngành và liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đây thực sự là gánh nặng trách nhiệm đặt trên vai các đại biểu Quốc hội khóa mới, ngoài 5 tiêu chuẩn theo luật, đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải có tâm huyết, năng lực, bản lĩnh, chuyên nghiệp mà cử tri đòi hỏi bấy lâu nay.