Trong thế giới người điên: Những éo le cuộc đời

ANTĐ - Với hai trường hợp “thoát tục” của “kịch gia” Ngô Văn Tuấn và “họa sĩ ” Bùi Văn Kiệm, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ rằng do họ tưởng tượng quá đà mà nên nỗi. Không hẳn! Người bình thường có thể thả tâm hồn lên tận mặt trăng, nhưng vẫn kiểm soát được là mình tưởng tượng. Nhưng với “người điên” thì  khác, họ hoàn toàn tin chắc vào tri giác sai lầm của chính mình.

Bệnh nhân phóng uế mục nát cả chấn song sắt

Niềm tin khủng khiếp

Hệ quả của việc tin chắc này khiến Nguyễn Văn Hiền (quê Kiến Xương, Thái Bình) đã mù hai mắt. Điều đáng sợ nhất là việc Hiền bị mù tất cả các bác sỹ và nhân viên của Trung tâm đều dự liệu được trước. Nhưng tất cả đều bất lực bởi không có cách nào ngăn chặn việc anh ta tự hủy hoại chính bản thân mình. Hiền cũng là bệnh nhân gây ấn tượng mạnh với tôi bởi, dù không hề nhìn thấy gì, nhưng anh ta có thể phân biệt được tất cả bệnh nhân hay bác sỹ của Trung tâm chỉ bằng cách nghe tiếng thở và tiếng chân bước. Đến ngay cả khuôn viên của Khoa rộng mấy nghìn mét vuông với vô số hành lang, bậc tam cấp, anh ta cũng dễ dàng đi lại như người sáng mắt mà không hề vấp ngã bao giờ. 

Hiền đã 44 tuổi, nhưng “thâm niên” ở trong trung tâm đã ngót 30 năm. Anh Phạm Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn trung tâm bảo, ban đầu anh ta cũng sáng mắt như bao người khác, rồi bỗng một ngày các bác sỹ phát hiện anh ta cứ liên tục tự đấm vào mắt mình. Hiền cứ quả quyết rằng trong mắt có… ma, cần phải giết con ma ấy. Vậy là nghiến răng đấm. Những cú đấm mạnh tới mức con ngươi mắt lòi cả ra. Máu chảy ròng ròng mà Hiền không biết đau đớn là gì. Đến lúc các bác sỹ phát hiện ra thì quá muộn. Nhưng khốn thay, hôm đó Hiền mới chỉ “giết” được 1 con. Vì thế anh ta vẫn nung nấu ý định trừ khử con còn lại. Thế là tháng sau, lừa lúc không ai để ý, Hiền ra tay “thịt” nốt con ma quái ác. Dù được cấp cứu ngay lúc đó, nhưng các bác sỹ đành lắc đầu. Thế là Hiền mù hẳn. Từ lúc đó ma quỷ không còn theo Hiền nữa, nhưng anh ta lại quên sạch lý do tại sao mình bị mù.

Tôi hỏi Hiền: Mắt anh sao lại bị mù thế?

Đáp: Em bị mù vì đau mắt hột.

Lại hỏi: Thế mù lâu chưa?

- Em mới mù vài bữa nay thôi.

- Mới là từ bao giờ?

- Từ năm 1993 anh ạ.

Nếu Hiền chỉ vì quá tin vào tri giác sai lầm của mình mà tự hủy hoại bản thân thì Trần Xuân T, ở Vũ Thư – Thái Bình lại hủy hoại… mạng sống của chính cha đẻ. Bi kịch ở chỗ, mọi hành vi “dấm dớ” trước đó của T lại không được ai để ý. Mọi người chỉ tặc lưỡi chế giễu khi thấy T có những biểu hiện… khác người. Chỉ đến lúc T ôm một quả mít to như quả chùy nhảy từ trên cây xuống để nện vào đầu cha mình thì mọi người mới tức tốc đưa anh ta vào viện. Cú giáng chí tử khiến cha T ra đi ngay tức khắc, còn bến đỗ cuối cùng của T là “Dưỡng trí viện” của bác sỹ Phạm Ngọc Diệu.

Sinh nghề, tử nghiệp

Theo bác sỹ Phạm Xuân Vị - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công tỉnh Thái Bình thì trong tất cả các công việc, có lẽ nghề chăm sóc người điên là vất vả và nguy hiểm nhất, ấy vậy nhưng nó lại không được cho vào danh mục những nghề nguy hiểm trên thế giới. Ông ví von một cách hài hước pha chút ghen tỵ: “Đến ngay như cán bộ quản lý trại giam, suốt ngày phải trông coi những tên tội phạm nguy hiểm, nhưng ít ra đó cũng là những con người bình thường. Giữa quản giáo và phạm nhân vẫn có thể có giao tiếp được. Nhưng đối với bệnh nhân tâm thần thì chúng tôi chịu. Sống bên cạnh họ lâu, nếu mình không có tâm, có đức, sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm thì khéo cũng phát điên như họ”.

Trung tâm có 6 nhân viên cấp dưỡng thì cả 6 người đều đã từng đi viện vì bị bỏng do bệnh nhân tấn công bằng nước sôi. Một nhân viên khác thì bị tấn công dẫn tới mù hẳn 1 bên mắt và gần đây một trưởng khoa bất ngờ bị bệnh nhân đánh gãy 7 xương sườn. Bác sỹ Vị lắc đầu: “Người điên lên cơn rất bất thình lình, họ vừa cười với mình xong nhưng ngay lập tức có thể ra tay không thương tiếc”.

Quả thực, việc đưa người “điên” vào khuôn khổ chẳng khác gì nước đổ đầu vịt. Mọi quy chế, khuyên răn hay thậm chí ép buộc họ đều để ngoài tai. Đại tiểu tiện bừa bãi, vẽ bậy bạ, xé quần áo, chăn màn hay phá hoại tài sản là chuyện quá đỗi bình thường. Chính bản thân tôi cũng đã vô cùng kinh ngạc khi vừa tiếp chuyện 1 bệnh nhân tâm thần trong khi anh ta vừa thao thao kể chuyện, vừa kéo quần thản nhiên “giải quyết nỗi buồn” ngay trước mắt. Anh Phạm Đình Thắng bảo: “Nếu nhà báo nhìn thấy chấn song cửa sổ phòng của họ thì mới hiểu rằng chúng tôi vất vả như thế nào”.

Để minh chứng, anh Thắng đưa chúng tôi đi xem toàn bộ cửa sổ phòng ngủ của bệnh nhân. Hầu hết đều han gỉ, mục nát dù nó liên tục được nhân viên hàn những thanh sắt thay thế. Anh Thắng phân trần: “Họ có thói quen cứ tỉnh giấc giữa đêm hay sáng ngủ dậy là bắc “vòi” xả nước ngay tại chỗ, không một ai chịu vào nhà vệ sinh. Và chỗ ưa thích nhất chính là “bơm” nước qua cửa sổ. Nước tiểu lưu cữu ngày này qua ngày khác khiến chấn song mục nát thì anh đủ biết là như thế nào. Việc dọn vệ sinh cho bệnh nhân hay bị họ tấn công là chuyện… thường ngày của trại”.

Hầu hết những bệnh nhân tâm thần ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, không có gia đình nào không kiệt quệ khi có một thành viên trong nhà bị mắc chứng tâm thần. Tiền chạy chữa thuốc thang, rồi tích luỹ mua sắm được tài sản gì là bị chính họ đập phá thì không nghèo mới là lạ - anh Thắng nói. Nhiều bệnh nhân tâm thần đã được chạy chữa thành công, nhưng cũng có những người qua bao thầy lang, cúng bái mà không khỏi. Họ chỉ được gia đình đưa đến đây khi mọi nỗ lực cứu vãn đã trở nên quá muộn. Có lẽ chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần để mọi người biết cách xử lý và phòng tránh. Có như vậy thì lãnh địa của “dưỡng trí viện” mới thu hẹp được.