Những bảo vật quốc gia

Trống đồng Ngọc Lũ: Chiếc trống đồng Lạc Việt điển hình nhất

ANTĐ - LTS:  Đầu tháng 10-2012, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Đây là những bảo vật độc bản, vô giá, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn. Báo ANTĐ xin giới thiệu kỹ hơn về những bảo vật này.

Được tìm thấy năm 1893-1894 tại xã Như Chác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cách xã Ngọc Lũ hơn 30m về phía Đông Bắc. Chiếc trống được tìm thấy nằm ở độ sâu 2m, do một số người dân trong lúc đắp đê Đồn Thủy đào được. Chiếc trống thiêng này đã bị công sứ Hà Nam cho lý dịch làng Ngọc Lũ mang trống lên góp trong cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào năm 1902. Chiếc trống đồng sau đó được Viện Viễn đông Bác Cổ mua lại với giá 550 đồng (tiền Đông Dương) và nhanh chóng nổi tiếng khắp trên thế giới. Sau này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận và lưu giữ cho đến ngày nay.

Nhiều học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đã đánh giá trống đồng Ngọc Lũ là chiếc trống đồng to nhất, có hoa văn phong phú và điển hình nhất trong tất cả các trống đồng Lạc Việt. Thân trống gồm ba phần: phần trên phình ra, phần giữa hình trụ, có bốn quai chia làm hai cặp ở hai phía, một đầu quai gắn vào phần trên, một đầu gắn vào phần giữa; phần chân loe ra thành hình nón cụt. Trống đồng Ngọc Lũ được bảo quản tương đối nguyên vẹn. Mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh với 16 vành hoa văn đồng tâm, thể hiện hình chim Lạc và hình hươu chạy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, biểu lộ hướng trái đất quay từ Tây sang Đông, thể hiện trình độ thiên văn cao của người Việt cổ. Trên thân và đáy trống, hình khắc hết sức phong phú, sinh động về hoạt động và sinh sống của cộng đồng cư dân, quan hệ xã hội, giao dịch quốc tế đương thời, cách chúng ta từ 2000 - 3000 năm trước. Có thể coi trống đồng Ngọc Lũ là bộ lịch sử bằng tranh thời Đông Sơn. Chúng ta có thể thấy được trình độ tay nghề của những người thợ đúc đồng thủ công thời cổ đại ở Việt Nam đã đạt tới tuyệt đỉnh về kỹ thuật và mỹ thuật. Bên cạnh đó là sự hiểu biết sâu sắc về kim loại học của người Việt cổ.