Trông đợi đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay (27-2) bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh trong 2 ngày tại Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình với kỳ vọng đạt được thỏa thuận mang tính đột phá thực thi cam kết phi hạt nhân hóa, mở ra tương lai hòa bình, an ninh lâu dài.

Trông đợi đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Những tín hiệu tích cực từ hai phía đang mở ra hy vọng về thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều  Tiên tại Hà Nội

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong ngày hôm qua (26-2) đều đã tới Hà Nội để bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh từ ngày hôm nay (27-2) nhằm đàm phán thực thi cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như các bước đi cải thiện và bình thường hóa quan hệ song phương. Một kết quả tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ là bước đột phá, giúp hai bên cùng vượt qua trở ngại trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa đạt được tại Singapore hơn 8 tháng trước.

Dù được xem là cuộc gặp lịch sử khi lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đàm phán trực tiếp với nhau, song cam kết phi hạt nhân hóa mà hai bên đạt được ở Singapore vào tháng 6-2018 được xem là thỏa thuận chung. Chính vì thế, muốn thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đi tới đích cuối cùng mà hai bên Mỹ và Triều Tiên cùng cam kết rất cần có một lộ trình với những bước đi cụ thể từ cả hai phía Washington và Bình Nhưỡng.

Để cùng tới Hà Nội ngày 26-2 nhằm tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai, hai bên Mỹ và Triều Tiên đã có trao đổi tích cực ở nhiều cấp trong thời gian qua. Giới quan sát quốc tế cho rằng, các quan chức cấp cao Mỹ và Triều Tiên đã thống nhất hay cơ bản vạch ra được lộ trình cụ thể nhằm thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa trình lên bàn nghị sự đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un để hai nhà lãnh đạo đi tới quyết định cuối cùng tại Hà Nội.

Vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai bắt đầu từ hôm nay (27-2) được quốc tế trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận mang tính đột phá giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Phát biểu tại Hội nghị về Giải giáp vũ khí diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai sẽ nhất trí được các bước cụ thể cho hòa bình và ổn định cũng như phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng.

Cũng tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng bày tỏ hy vọng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội sẽ đạt được “một kết quả quan trọng” về các vấn đề phi hạt nhân cũng như các biện pháp tương ứng từ phía Mỹ. Giáo sư Georgi Toloraya - Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga -  bày tỏ lạc quan về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội.

Theo vị giáo sư là chuyên gia hàng đầu về vấn đề Triều Tiên này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được những thỏa thuận như Washington không còn khăng khăng yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức mà cho rằng tiến trình này có thể được tiến hành từng bước, chấp nhận việc Triều Tiên dần dần cung cấp thông tin về toàn bộ chương trình hạt nhân… và nhất là để ngỏ khả năng có một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Không những vậy, Mỹ cũng thể hiện sẵn sàng thảo luận vấn đề thành lập các phái bộ liên lạc, được đặt ra hơn 20 năm trước từ thời Tổng thống Bill Clinton song chưa thành công, và nếu phái bộ liên lạc này được mở sẽ là kênh liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa hai nước.

Những tín hiệu tích cực đang mở ra hy vọng thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên tại Hà Nội.