Trông đợi cải cách toàn diện

(ANTĐ) - Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SKG) giáo dục phổ thông sau năm 2015” của Bộ GD-ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành với khái toán kinh phí lên tới 70.000 tỷ đồng nhưng những gì mọi người trông đợi về đổi mới toàn diện nền giáo dục thì lại không thấy rõ trong đề án này.

Trông đợi cải cách toàn diện

(ANTĐ) - Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SKG) giáo dục phổ thông sau năm 2015” của Bộ GD-ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành với khái toán kinh phí lên tới 70.000 tỷ đồng nhưng những gì mọi người trông đợi về đổi mới toàn diện nền giáo dục thì lại không thấy rõ trong đề án này.

Hạn chế của CT-SGK hiện hành

Khá nhiều hạn chế của CT-SGK hiện hành đã được Bộ GD-ĐT chỉ ra để là tiền đề cho việc cần xây dựng mới CT-SGK trong tương lai. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chương trình hiện hành mới chỉ đề cập đến năng lực thực hành, giải quyết vấn đề của học sinh trong mục tiêu giáo dục chứ chưa thực sự là yêu cầu bắt buộc trong quá trình giảng dạy thực tế.

Vì vậy, có thể thấy, việc chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống chưa thực sự được chú trọng, trong khi chỉ tập trung theo hướng coi trọng trang bị kiến thức. Bộ cũng thừa nhận số môn học bắt buộc trong mỗi lớp học nhiều và nội dung thì chưa thiết thực và đảm bảo tính hiện đại. Đặc biệt, hiện tượng quá tải với cả học sinh và giáo viên được lý giải là do việc tích hợp các nội dung giáo dục vừa thiếu, vừa chưa khoa học.

Giải phóng áp lực học tập là mong muốn của nhiều phụ huynh học sinh trong đổi mới giáo dục
Giải phóng áp lực học tập là mong muốn của nhiều phụ huynh học sinh trong đổi mới giáo dục

Điều đáng nói về SGK hiện hành mà chính Bộ GD-ĐT nhận xét là các cuốn sách này chưa tạo được điều kiện tốt nhất để học sinh tự học độc lập cũng như phối hợp, tận dụng được thông tin phong phú từ thực tế đời sống xã hội. SGK chưa thực sự thuyết phục học sinh khi mà các tình huống liên quan đến cuộc sống được đưa vào sách một cách gượng ép không đem lại hiệu quả cao...

Chưa giải quyết được bất cập hiện tại

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, để thực hiện được việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước thì cần xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020. Việc đổi mới CT-SGK là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, định hướng lớn trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này sẽ quan tâm chủ yếu tới việc học sinh học được những gì. Chương trình mới được xây dựng theo hướng xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.

Bộ GD-ĐT lý giải cho hạn chế của CT-SGK hiện hành là do việc xây dựng chương trình từ tiểu học đến THPT được thực hiện trong khi chưa xây dựng đề án tổng thể về đổi mới CT-SGK. Bởi vậy, Bộ đã đưa ra đề án đổi mới lần này cho giáo dục phổ thông sau năm 2015. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, việc Bộ GD-ĐT chưa trình được đề án cải cách, chiến lược phát triển giáo dục đến 2020 thì việc xây dựng CT-SGK mới không giải quyết được những bất cập hiện nay. Còn theo PGS. Văn Như Cương thì thời điểm này, Bộ GD-ĐT chỉ nên nghĩ cách làm sao để CT-SGK hiện hành đỡ nặng, quá tải đối với học sinh, sẽ ít tốn kém hơn nhiều. Còn đi xây dựng một CT-SGK trong khi chưa thực hiện việc cải cách giáo dục thì chưa thể giải quyết được vấn đề gì, nếu không muốn nói là lãng phí vô ích.

Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng, trong đó việc biên soạn CT-SGK dự kiến chi  hơn 960 tỷ. Số còn lại chi cho xây dựng cơ sở vật chất trường học, khoảng 35.000 tỷ; mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỷ; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỷ…

Ông Đặng Xuân Hợp

Ba Đình, Hà Nội

Không gây sức ép và quá tải cho học trò

Mặc dù con tôi đang theo mẹ học tập tại Anh nhưng để chuẩn bị cho con sắp tới có chỗ học phù hợp trong nước, tôi đã tìm hiểu nhiều trường học ở Hà Nội. Mẹ cháu chỉ có một yêu cầu là học ở đâu để cháu sẽ không phải chịu sức ép về học hành, thi cử. Tình trạng này rất phổ biến trong phần lớn trường học của ta hiện nay. Học sinh ngay từ lớp 1 đã phải học đến 11h đêm với hàng chục bài tập về nhà dù cũng học 2 buổi ngày như ở nước ngoài.

Trong nhiều năm công tác ở châu Âu, tôi chưa hề nghe phụ huynh hay học sinh than vãn về tình trạng quá tải. Các cháu đến trường như đi chơi với cách dạy rất đa dạng, gắn với thực tiễn của thầy cô. Không bó buộc, không đóng khung và tùy theo trình độ, năng lực của học sinh để giáo viên đưa ra cách thức học tập phù hợp. Tôi mong muốn rằng phương pháp giáo dục trong nước sẽ tạo cho học sinh sự hứng thú, khám phá trong học tập chứ không phải theo cách nhồi nhét, áp đặt hiện nay.

Bà Nguyễn Thúy Hằng

giáo viên quận Đống Đa, Hà Nội

Đừng gò bó giáo viên theo phân phối chương trình

Giáo viên chúng tôi vẫn nói với nhau, đổi mới phương pháp dạy học như thế nào khi mà giáo viên mỗi môn học đều bị bó cứng theo phân phối chương trình? Giáo viên được quy định rõ tiết nào dạy cái gì chứ không được quyền quyết định dựa vào năng lực tiếp thu của học sinh. Không chỉ học sinh mà nhiều khi cả giáo viên cũng thấy quá tải với cách “ép” theo đúng phân phối chương trình. Mà thực tế, phân phối chương trình hiện nay không hợp lý, dẫn đến tình trạng học dồn ép vào đầu mỗi học kỳ nhưng lại ngồi chơi không vào cuối năm học. Đấy là chưa kể,

CT-SGK của ta cải tiến theo kiểu nhồi thêm kiến thức giống SGK nước ngoài nhưng nếu như các nước đưa dần từng lượng kiến thức vào các cấp học theo kiểu xoáy trôn ốc thì mình đưa theo kiểu cuốn chiếu khiến học sinh rất mệt mỏi, khó tiếp thu.

GS. Tùng Lâm,

Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam

Giáo dục theo năng lực học sinh chứ không cào bằng

Tôi cho rằng một trong những lạc hậu của nền giáo dục trong nước hiện nay là giáo dục cào bằng, không quan tâm đến năng lực thực sự của mỗi học sinh để có hình thức dạy học và khối lượng kiến thức đưa ra phù hợp. Vận động viên có năng khiếu về các động tác nhưng lại bắt học giỏi cả Văn, Toán thì rất khó.

Trên thế giới, giáo dục hiện nay triển khai theo hướng dạy năng lực tư duy còn ta lại chạy theo khối lượng kiến thức. Và một điều tôi cho rằng lạc hậu nhất đó là vẫn còn áp dụng cách dạy và học thuộc lòng, trong khi điều học sinh cần là được khơi gợi sáng tạo, tư duy thay vì học như một chú vẹt. Để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, theo tôi cần giải quyết đồng bộ, trong đó có đổi mới CT-SGK.

Vinh Hương