Trong dịch Covid-19, Thẩm phán có được phép lấy lời khai của đương sự qua mạng?

ANTD.VN -Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, căn cứ các Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-CA về phòng chống dịch trong hệ thống TAND. Theo đó, tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. Nhiều người đặt câu hỏi, đối với các vụ án dân sự, việc Thẩm phán lấy lời khai của đương sự qua mạng internet có đúng luật?

Lấy lời khai qua mạng có đảm bảo các yếu tố theo quy định?

Chỉ thị số 02/2020/CT-CA còn nêu rõ, tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở Tòa án. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thông qua các phương thức khác như dịch vụ bưu chính, gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Trường hợp vụ án, vụ việc đã hết thời hạn giải quyết, bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện.

Mẫu Biên bản ghi lời khai của đương sự

Có thể nói, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến là một giải pháp tích cực và cần thiết. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là việc lấy lời khai của đương sự qua mạng có vi phạm Bộ luật TTDS?

Về việc lấy lời khai của đương sự, Điều 98 Bộ luật TTDS quy định, Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.

Lấy lời khai của đương sự là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ để dùng cho việc giải quyết vụ án dân sự. Theo điều luật trên, Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án, chỉ lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án khi cần thiết – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Mặt khác, theo Khoản 2 Điều 98 Bộ luật TTDS 2015, trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã hoặc CAX, phường hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.

Trong khi đó, việc lấy lời khai của đương sự qua mạng không đảm bảo yếu tố là trực tiếp tại Tòa án và cũng không trực tiếp đương sự ngoài trụ sở, cũng không có xác nhận của người làm chứng hay xác nhận của chính quyền.

Cần quy định cụ thể để đảm bảo tính thống nhất

Nhìn nhận nội dung trên ở góc độ khác, một số Luật sư cho rằng, việc lấy lời khai của đương sự qua điện thoại, mạng (Zalo, facebook, email) diễn ra khi Thẩm phán dùng phương tiện điện tử cá nhân giới thiệu chức danh, trình tự và đương sự đồng ý, khai nhận.

Sau khi kết thúc, Thẩm phán chuyển biên bản lấy lời khai cho đương sự, đương sự xem và thống nhất nội dung, ký vào biên bản và chuyển cho Tòa án để lưu vào hồ sơ, hoặc Thẩm phán có thể in biên bản và mang đến nhà đương sự để ký xác nhận nội dung và lưu vào hồ sơ vụ án.

“Điều 93 Bộ luật này đã quy định chứng cứ là những gì có thật nên cách lấy lời khai trên không vi phạm Bộ luật TTDS. Hơn nữa, việc Thẩm phán lấy lời khai qua mạng đã được sự đồng ý của đương sự, đương sự đã xác nhận nội dung trả lời” – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, Điều 95 Bộ luật TTDS cũng ghi rõ, lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình…

Đặc biệt, việc lấy lời khai bằng hình thức trên cũng đảm bảo việc thực hiện nghiệm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 02 của Chánh án TANDTC về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp.

Trong khi dịch bệnh do Covid-19 đang diến biến phức tạp, để việc lấy lời khai của đương sự được tiến hành thống nhất, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, cơ quan cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề, tránh tình trạng nỗi nơi áp dụng một kiểu.