Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, thành tựu nhân quyền của Việt Nam càng nổi rõ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo đảm quyền con người là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam được thế giới ca ngợi. Thành tựu đó càng được thể hiện rõ hơn trong cuộc chiến với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) mà Việt Nam được đánh giá là đối phó thành công.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động

Bằng chứng sinh động cho khẩu hiệu “Không ai bị bỏ lại phía sau”

Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa, thuốc hay phác đồ điều trị đặc hiệu, Covid-19 đang trở thành một thảm họa y tế cho các quốc gia. Vì vậy, việc ứng phó với đại dịch này là một thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Phát biểu tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 45 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, Cao ủy LHQ về quyền con người Michelle Bachelet nhận định:“Không còn nghi ngờ gì nữa, virus Corona là một phép thử đối với các nguyên tắc, giá trị và tính nhân văn”.

Để vượt qua được phép thử này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng là một yêu cầu thiết yếu. Những nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua đang đi theo hướng này.

Phát biểu tại phiên Đối thoại về Báo cáo cập nhật của Cao ủy nhân quyền về tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền con người, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng các chính sách ổn định kinh tế - xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Những gì diễn ra trong hơn 9 tháng qua đã khẳng định điều đó. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn dân phòng chống Covid -19, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đất nước và tính mạng của mỗi người dân, đồng thời khẳng định quan điểm xuyên suốt “vì lợi ích của nhân dân”.

Trong khi nhiều nước còn đang tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc thì ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc chiến với Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ”, đồng thời Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành duy trì “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh và giữ ổn định xã hội, chăm lo phát triển. Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp”.

Nhìn vào Chương trình nghị sự 2030 của LHQ vì sự phát triển bền vững với lời kêu gọi các quốc gia trên thế giới cam kết để “không ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc chiến với Covid-19 của Việt Nam là bằng chứng sinh động về nỗ lực hiện thực hóa khẩu hiệu mà thế giới đang hướng tới.

Việt Nam vượt qua phép thử một cách thành công

Tính đến sáng 15-9, trên thế giới có tổng cộng gần 20 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 930 nghìn người tử vong. Với Việt Nam, chúng ta chỉ có 1.063 ca nhiễm bệnh với 35 ca tử vong, một con số rất nhỏ so với quy mô đại dịch mà thế giới đang phải đối mặt. Thành tích đó của Việt Nam là kết quả của những biện pháp rất cụ thể nhằm bảo đảm cho tất cả người dân có quyền khám, chữa khi nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19 thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả bệnh nhân. Những ứng phó của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ thực hiện quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của người dân trong tình huống khẩn cấp y tế. Chưa hết, Chính phủ còn tổ chức các khu cách ly để ngăn chặn dịch bùng phát với quy định miễn phí trong thời gian dài, tổ chức các chuyến bay sang vùng dịch đón công dân về nước.

Dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người, mà còn gây nên nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và quyền cơ bản của mọi cá nhân, cộng đồng trên toàn thế giới, đáng kể là tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng kỳ thị, bất bình đẳng, đói nghèo, mất việc làm. Nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền do dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, gói hỗ trợ cần tập trung vào người lao động giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Với hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), gói hỗ trợ này hướng tới đối tượng chính sách và người lao động thuộc 7 nhóm với tổng số khoảng 20 triệu người được thụ hưởng. Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng; đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu khác như điện, thực phẩm... để giảm gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Để bảo đảm quyền làm việc của người lao động trong lâu dài, Chính phủ còn có các biện pháp trợ giúp người sử dụng lao động. Theo đó, các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng, được vay các khoản vay với lãi suất ưu đãi…

Có thể nói Covid-19 không chỉ là phép thử đối với hệ thống y tế của mỗi quốc gia, mà rộng hơn nữa đó cũng chính là phép thử với các hệ tư tưởng, giá trị và thể chế mà quốc gia đó theo đuổi. Đối mặt với phép thử đó, Việt Nam đã vượt qua một cách thành công.