Trông cứ tưởng là sướng

ANTĐ - Trẻ em có lẽ là một trong rất ít “thước đo” chuẩn xác nhất sự phát triển bền vững của một xã hội. Ông có cho rằng trẻ con bây giờ sung sướng hơn thời chúng ta còn bé không?

- Sướng hơn là cái chắc, nhưng trong cái sướng có thể nhìn thấy rõ lại có những cái khổ không thể kể ra hết được. 

- Mâu thuẫn trong lời nói của ông. Vậy phải có bằng chứng để thuyết phục chứ?

- Đơn cử, trẻ được ô tô, xe máy đón rước tận cửa. Ăn uống, bồi bổ, nhồi nhét chẳng thiếu thứ gì, nhưng ngay khi bước vào lớp 1 đã phải thi tuyển chọn toát mồ hôi. Sau đó là cả một cuộc hành trình “hành xác” học thêm, lò luyện thi, rồi “chạy đua” vào đại học.

- Cứ nhìn con bé cháu nội tôi, sáng lặc lè vác cặp đi, chiều cõng về mà xót xa. Nắng nóng ngột ngạt thế này mà gần năm chục trẻ nhồi vào một phòng, học, ăn, ngủ ở đó. 

- Thằng cháu tôi và bao đứa trẻ khác có sướng hơn đâu. Đi học về mà trông mệt mỏi, rã rời như… đi cày. Vừa buông bát lại chúi đầu làm toán, viết bài. Không còn hở ra lúc nào để chơi đùa. 

- Lấy chỗ đâu mà chơi, mà bơi lội. Ngay đến chơi tại gia thì gần 80% đồ chơi là made in China và 90% đều bị nhiễm hóa chất độc hại. 

- Dù sao so với trẻ nông thôn, miền núi vẫn còn sướng chán. Theo tiêu chí “Trẻ em nghèo đa chiều” của Liên hợp quốc, nước ta hiện còn 7 triệu trẻ nghèo.

- Vì thế mới có Tháng hành động vì trẻ em. Nhiều khi trông cứ tưởng trẻ sướng, hóa ra khổ. 

- Nhiều chuyện người lớn cứ tưởng là vàng lại hóa ra thau, tưởng tốt hóa ra xấu, thật giả lẫn lộn, giá trị đảo lộn, nói gì chuyện… trẻ con!