Trong cơn bĩ cực

ANTD.VN - Trong khi xuất khẩu gạo cả năm 2016 cố gắng cũng khó đạt con số 5 triệu tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thì trong 4 năm qua, đã có khoảng 10.000 tấn gạo Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ bị trả về vì cho rằng còn tồn dư một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ cấm dùng. Dù khẳng định những lô gạo bị trả về không độc hại, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề cùng giải quyết sớm.

Chưa có mức tồn dư tối đa cho phép

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài thị trường Mỹ thì gạo Việt Nam cũng từng nhiều lần bị Nhật Bản trả về do không đảm bảo chất lượng theo quy định. Như vậy, tính từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam bị phía Mỹ trả về.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ N&PTNT cho rằng: “Việc một số lô gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ trả lại là do doanh nghiệp đã không tìm hiểu kỹ quy định của thị trường này nên không đạt một số chỉ tiêu. Tuy vậy, không có nghĩa là gạo của Việt Nam “bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật đến mức độc hại” như một số người lầm tưởng”.

Theo đó, đầu năm 2016, một số lô gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ trả về nhiều nhất là do không đạt chỉ tiêu Isoprothiolane theo quy định của quốc gia này. Isoprothiolane là một hoạt chất có trong hơn 60 loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa.

Hoạt chất này phía Mỹ chưa đưa ra mức giới hạn cho phép (MRLs) nên gạo nhập khẩu phải “tạm” chấp hành ngưỡng 0ppm (tức là không được phép có trong gạo), nếu vi phạm là bị trả về. Trong khi đó, nhiều quốc gia đề có quy định về mức MRLs như Nhật Bản 2ppm, EU 0,5ppm, Đài Loan (Trung Quốc) 0,2ppm… Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, hiện Việt Nam vẫn chưa có MRLs cho hoạt chất Isoprothiolane nên không có cơ sở để đàm phán với Mỹ.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong số các lô hàng gạo bị phía Mỹ trả về có một số lô làng vi phạm quy cách đóng gói, không phải toàn bộ đều phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Mặc dù vậy không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Mỹ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Mỹ, có một số hoạt chất bảo vệ thực vật chưa được xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại”, ông Hoàng Trung cho biết.

Thay đổi từ lượng sang chất

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật thông tin, vừa qua Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã sang Mỹ làm việc và thu được những kết quả tích cực. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với một số cơ quan của Mỹ triển khai xây dựng quy định về lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo mà Mỹ chưa có.

Với một số hoạt chất được phép sử dụng tại Việt Nam mà không có trong quy định của Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn để người dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng nữa, tránh tái diễn tình trạng hàng xuất khẩu bị trả về.

Tuy vậy, ông Hoàng Trung cũng khuyến cáo, với thị trường Mỹ nói riêng và với thị trường xuất khẩu gạo nói chung, trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp nên đem mẫu tới các phòng kiểm nghiệm, kiểm định đủ năng lực để kiểm tra xem còn hoạt chất bảo vệ thực vật nào tồn dư trong gạo với mức độ bao nhiêu, có được thị trường xuất khẩu chấp nhận không.

Ở một góc độ khác, để nâng giá trị hạt gạo Việt nhằm cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, ông Huỳnh Thế Năng cho rằng, bắt buộc phải có sự thay đổi trong quy trình sản xuất, chế biến. Những hoạt chất mà thị trường nhập khẩu cảnh báo hiện có trong khoảng 3.000 sản phẩm trừ sâu, trị bệnh, diệt cỏ… lưu hành trong nước.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, cần rà soát lại danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật và đưa ra lộ trình thay thế những loại thuốc khác an toàn và hiệu quả hơn. Đối với các hoạt chất không thể thay thế, cần nghiên cứu quy trình sản xuất mới để không gây tồn dư trong gạo.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, gần đây liên tục có những khởi kiện, cảnh báo về các vấn đề bán phá giá, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến hàng nông sản Việt. Nguyên nhân là nhiều nước tăng cường xây dựng các hàng rào kỹ thuật khi triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Đã đến lúc chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa, xây dựng chuỗi giá trị, tự kiểm định, xử phạt… nếu cứ trông chờ cơ quan Nhà nước sẽ không thể nào đuổi kịp các nước”, TS. Đặng Kim Sơn bày tỏ, đồng thời thông tin thêm: “Trước đây chúng ta tăng trưởng theo chiều rộng, lấy sản lượng, giá bán rẻ làm lợi thế cạnh tranh, dựa vào những thị trường dễ tính, xuất khẩu tiểu ngạch nhưng đã đến lúc phải nghiêm túc với chuyện này. Hướng đến thị trường cạnh tranh cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đây là bước đột phá không dễ dàng gì, cơ quan Nhà nước phải thay đổi cách quản lý, doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, các hình thức liên kết… cuộc cách mạng thể chế phải làm càng sớm càng tốt”.

Năm 2016: Xuất khẩu khó cán mốc 5 triệu tấn

Không chỉ xuất khẩu đi Mỹ gặp khó khăn vì các điều kiện ngặt nghèo mà xuất khẩu gạo, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp nhiều năm qua, ước chỉ đạt 5 triệu tấn năm nay, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 ước đạt 368.000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng qua ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm đến 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Bộ NN&PTNT, nếu giữ tốc độ như hiện nay thì ước tính trong hai tháng 11 và 12 chỉ đạt dưới 400.000 tấn gạo xuất khẩu, đưa tổng khối lượng xuất khẩu cả năm 2016 dưới 5 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2009 đến nay.

Các thị trường chính của gạo Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi cũng đã hết hạn ngạch hoặc tăng thêm rào cản kỹ thuật, tăng cạnh tranh khiến việc xuất khẩu gạo Việt lại càng thêm khó. Hiện, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam suốt 10 tháng qua.

Tuy nhiên, cũng thời gian này, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Ghana, với lượng tăng 38,6% trong 10 tháng đầu năm và tăng 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ tư, tăng 53% về khối lượng và 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, những thị trường xuất khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam như Philippines, Singapore đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, thị trường Philippines giảm 61,6%, Malaysia giảm 51,5%, Singapore giảm 34,1%, Bờ Biển Ngà giảm 29,1%, Hoa Kỳ  giảm 28,3%...