Trông chờ và kỳ vọng

ANTĐ - Cử tri và nhân dân cả nước trông chờ và kỳ vọng vào những chức danh lãnh đạo chủ chốt được bầu trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ lãnh đạo, chèo lái đất nước vượt qua thách thức, khó khăn trên chặng đường hội nhập, đưa Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới với vị thế và tầm vóc mới trong khu vực cũng như trên thế giới.

Vì sao Quốc hội lại kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước trong kỳ họp cuối cùng mà không để sang kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV? Năm 2016 là năm khởi đầu kế hoạch 5 năm (2016-2020), đặc biệt còn là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Vì thế, việc bầu các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, không chỉ tạo tinh thần và khí thế mới mà quan trọng hơn, những người được Quốc hội xem xét, lựa chọn trao trọng trách sẽ bắt tay ngay vào việc, thực hiện nhiệm vụ từ năm đầu của nhiệm kỳ.

Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng XII và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Đảng sẽ giới thiệu nhân sự ra Quốc hội để các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân sẽ bỏ phiếu quyết định các chức danh chủ chốt này. Công tác nhân sự tại kỳ họp chỉ để kiện toàn cho khóa XIII. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, công tác nhân sự vẫn tiếp tục được thực hiện để bầu ra bộ máy nhân sự.

Có thể nói, trong kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân sẽ bỏ phiếu đặt trọn vẹn niềm tin cũng như kỳ vọng vào một “bộ tư lệnh” đủ đức, đủ tài xứng tâm xứng tầm lãnh đạo, dẫn dắt đất nước vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Đất nước đứng trước vận hội mới cùng với những thách thức trở ngại mới, đòi hỏi những người lãnh đạo được bầu phải tạo ra những đột phá mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn để đưa nền kinh tế vượt nguy cơ tụt hậu và những yếu kém nội tại.