Trông chờ lớp trẻ

ANTĐ - Thời buổi này theo tôi, lớp già cần thay đổi cách nhìn, nếp nghĩ cổ hủ gán cho hậu bối là “trẻ người non dạ”.

- Cũng như câu cửa miệng “trứng khôn hơn vịt” hoặc “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” đã tạo thành đường mòn trong đầu óc, tư duy bao đời nay.

- Lớp trẻ bây giờ nói năng thẳng băng đâu phải rụt rè, e ngại “uốn ba tắc lưỡi” như thời chúng ta. Trong một cuộc hội thảo thanh niên vừa diễn ra, có những cô cậu còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ra trường đã mạnh dạn nói lên “căn bệnh” đổ thừa, đổ lỗi khi sai sót, sai phạm, sai lầm khá phổ biến trong giới trẻ.

- Thật đúng như câu “hậu sinh khả úy”. Thế hệ “hai thứ tóc trên đầu” nghe thế hệ “đầu xanh” tự soi mình, tự “mổ xẻ” như vậy cần phải vắt tay lên trán mà suy ngẫm.

- Đương nhiên, nhiều khi già cũng phải biết “nghe lời” trẻ. Cha mẹ, ông bà nên tự hạ mình xuống để lắng nghe, thấu hiểu con cháu.

- Hẳn nhiên rồi. Nếu ta không tức thời dễ rơi vào bi kịch: tre chưa già, chưa mối mọt thì măng đã lớn đè lên.

- Một tiến sĩ tâm lý học đã “bắt mạch” chứng bệnh đổ thừa của giới trẻ là sự lây nhiễm từ thói xấu “tốt che xấu khoe”, trốn tránh không dám đối diện với cái dở, cái sai của người trên.

- Giờ bọn trẻ đã xác định được triệu chứng, nắm được căn nguyên, thế nào cũng sớm tìm được thuốc chữa tiệt nọc “bệnh” đó thôi.