Trong bệnh viện công: Giảm giường yêu cầu, tách biệt khu xã hội hóa

ANTĐ - Việc kết hợp công tư trong khám chữa bệnh cũng như các mô hình liên kết, xã hội hóa y tế hiện nay đang giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn song cũng khiến gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh lớn hơn. Để khắc phục và tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát lại các mô hình này trên nguyên tắc đặt người bệnh làm trung tâm.
Trong bệnh viện công: Giảm giường yêu cầu, tách biệt khu xã hội hóa  ảnh 1

Xã hội hóa y tế cần quan tâm tới lợi ích bệnh nhân (Ảnh minh họa)

Người bệnh vừa mừng, vừa lo

Bộ Y tế cho biết, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nhiều bệnh viện lớn đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như: Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…

Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công với các đơn vị tư nhân cũng đã góp phần giúp các bệnh viện phát triển được nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay  vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa, kết hợp công tư trong khám chữa bệnh chưa đồng bộ, đặc biệt một số đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, liên doanh liên kết, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết hoặc giá dịch vụ y tế bị đẩy cao.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, qua thống kê của cơ quan BHXH, đa phần các bệnh viện xã hội hóa tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (chiếm đến 80%), đây là các dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận lớn. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ lắp đặt máy xã hội hóa đúng quy định của Bộ Y tế còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Minh Thảo, trong số gần 2.000 máy xã hội hóa tại các bệnh viện của cả nước hiện nay thì 38% không có đề án, với các máy cho thuê mượn cũng chiếm đến hơn 60% không có đề án. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng một số bệnh viện chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán quá mức ở các máy xã hội hóa.

Chẳng hạn tại tỉnh Quảng Ninh, gần đây cơ quan BHXH phát hiện bội chi quỹ bảo hiểm y tế khá nhiều. Qua kiểm tra, riêng Bệnh viện Uông Bí, Bãi Cháy chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40%... Hệ quả là dù người dân được hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn nhưng gánh nặng từ xã hội hóa y tế mà người bệnh phải chịu cũng lớn hơn.

Phải đặt người bệnh làm trung tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư nâng cao chất lượng của hệ thống y tế được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vấn đề kết hợp công tư trong khám chữa bệnh, xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh dù theo mô hình nào cũng phải dựa trên nguyên tắc tự chủ, công khai minh bạch, tránh xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, nhất là phải đặt bệnh nhân làm trung tâm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đề nghị, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (hiện giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành) vì chỉ có tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích các bệnh viện vay vốn để đầu tư, tạo bình đẳng giữa trong và ngoài công lập, đồng thời khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, mỗi bệnh viện công phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay, các hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu phải sử dụng vốn vay, vốn huy động cũng cần phải tách độc lập với khu vực khám chữa bệnh thông thường để tạo công bằng cho người bệnh.

Ngoài ra, các bệnh viện phải tính toán cụ thể xem các trang thiết bị nào thực sự cần vay vốn, liên kết để đạt hiệu quả cao nhất thì mới liên kết, còn nếu không cần thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn của bệnh viện để không dồn thêm gánh nặng lên  người bệnh. “Thậm chí Bộ Y tế cần có cơ chế cho những bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, theo hướng bệnh viện có xã hội hóa thì dùng tiền quỹ bảo hiểm y tế mua lại thiết bị đã liên kết, để bệnh viện thu phí dịch vụ bằng giá bảo hiểm y tế. Có như thế thì người dân mới được hưởng lợi từ việc xã hội hóa” - ông Nguyễn Văn Tiên đề nghị.